Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt từ tuần tới?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Các điểm tập kết – trung chuyển tại chợ đầu mối, siêu thị mở bán trở lại, nguồn hàng về thành phố nhiều hơn, nhưng giá bán lẻ thực phẩm đến tay người dùng vẫn còn cao.
Hàng hóa đổ về TP.HCM nhiều hơn cùng với lượng shipper công nghệ tăng thì giá hàng hóa sẽ giảm nhiệt /// Ảnh: Mai Phương
Hàng hóa đổ về TP.HCM nhiều hơn cùng với lượng shipper công nghệ tăng thì giá hàng hóa sẽ giảm nhiệt. ẢNH: MAI PHƯƠNG
Giá bán lẻ neo cao vì chi phí vận chuyển
Chiều 19.9, chợ online của khu dân cư tại P.9, Q.Tân Bình có người rao bán bún mọc ăn sáng nay (20.9) giá 40.000 đồng/tô. Theo người bán, giá tô bún này có thể rẻ hơn 5.000 đồng nếu họ giảm bớt được chi phí vận chuyển về như cũ. “Phí giao mọc và thịt về thành phố vẫn còn quá cao, giao lẻ từ lò mổ Hóc Môn về Q.Tân Bình một thùng hàng lên đến 150.000 đồng, trong khi trước đây tối đa chỉ 50.000 – 70.000 đồng. Khảo sát cho thấy giá bán lẻ thịt heo, bò tại các siêu thị có vẻ ổn định ở mức cao từ hơn tháng qua, trong khi giá trên các chợ online vẫn mạnh ai nấy ra giá. Chẳng hạn, cửa hàng G Kitchen đang giảm giá các loại thịt heo như thịt đùi, vai, cốt lết từ 197.000 đồng/kg xuống còn 139.000 đồng/kg và thịt xay còn 159.000 đồng/kg, tương đương với giá khi dịch chưa bùng phát. Nhưng các mặt hàng khác vẫn còn mức khá cao như sườn non 304.000 đồng/kg, ba rọi 209.000 đồng/kg, nạc dây 299.000 đồng/kg (tăng 11.000 đồng/kg so với giá tháng 8). Thịt ba rọi heo tại siêu thị Lotte Mart có giá 185.000 đồng/kg, thịt heo xay 158.000 đồng/kg, trong khi trên các chợ online giá ba rọi heo vẫn từ 170.000 – 220.000 đồng/kg, tùy chợ; thịt xay từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
TP.HCM dự kiến gỡ “quota” cho shipper
Nguồn tin của PV cho biết UBND TP.HCM đã đồng ý cho phép tất cả tài xế theo danh sách các đơn vị đăng ký với Sở Công thương ngày 16.9 được phép hoạt động. Tài xế chỉ cần đáp ứng yêu cầu đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 trước 2.9 để đảm bảo yếu tố phòng dịch. Sở Công thương dự kiến nới “quota”, cho phép 90.000 shipper đã đăng ký được phép hoạt động liên quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trước đó, các hãng xe công nghệ tính toán nhu cầu đặt hàng của người dân tại TP.HCM trong sáng 16.9 (ngày TP.HCM chính thức cho shipper hoạt động liên quận) tăng khoảng 200 – 300% so với thời điểm trước. Trong khi đó, số liệu từ Sở Công thương cho biết số lượng shipper đăng ký hoạt động của 33 đơn vị sau trong ngày 16.9 là 160.000 người, nhưng thực tế hiện đang hoạt động chỉ có khoảng 20.000 người, rất thấp so với nhu cầu của người dân. Cầu tăng vọt, cung hạn chế khiến giá cước giao hàng vẫn tăng ngất ngưởng và người dân tìm “đỏ mắt” cũng không đặt được shipper.

H.M

Khảo sát giá tại các siêu thị cũng cho thấy giá rau củ quả các loại vẫn đang ở mức khá cao so với trước đợt cao điểm dịch. Chẳng hạn, siêu thị Lotte Mart giá cải bó xôi 50.000 đồng/kg, cải ngọt, cải bẹ xanh và rau muống đều 40.000 đồng/kg, hành lá 70.000 đồng/kg, hay tại siêu thị Go! Nguyễn Thị Thập, rau diếp cá vẫn 79.000 đồng/kg, rau om, ngò gai 55.900 đồng/kg, cải ngọt 32.000 đồng/kg. Giá rau xanh trên các chợ online vẫn chưa thấy hạ nhiệt, từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, đồng giá 35.000 đồng/kg với nhiều mặt hàng lấy từ chợ đầu mối về… Đặc biệt, một số mặt hàng khô như bún tươi của Safoco giá tại siêu thị Aeon và MM Mega Market từ 18.400 – 19.000 đồng/gói, tại cửa hàng tiện lợi 27.000 đồng/gói và trên các chợ online tự do vẫn giữ giá 29.000 đồng/gói.

Trong khi đó, phí giao hàng công nghệ cho dịch vụ bán thức ăn mang về vẫn giữ mức đỉnh. Tô hủ tiếu đặt mua từ Q.5 giao về Q.7 giá ship 55.000 đồng/tô; tô cháo sườn giao ngay trong Q.7, giá giao hàng 21.000 đồng, dù nhà cách tiệm chỉ 500 m. Chị Ngọc (Q.Tân Phú) cho hay trưa 19.9, chị muốn gửi đồ ăn sang cho mẹ ở Q.7 nên đặt Grab thì báo giá 100.000 đồng, vẫn cao hơn ngày thường 30 – 40%. Cùng đoạn đường trên tại ứng dụng Be hay Gojek thì đều dao động từ 70.000 – 72.000 đồng nhưng rất khó có người nhận đơn hàng. “Không hiểu sao giá shipper cách xa nhiều như vậy dù nay đã cho giao liên quận và shipper công nghệ cũng nhiều hơn”, chị Ngọc thắc mắc.
Chị Thanh Hương, tiểu thương bán các mặt hàng rau củ quả tại chợ Tô Hiến Thành (Q.Tân Bình), giải thích những người bán hàng rau củ quả, thịt giá đều tăng mạnh do lấy hàng khó khăn hơn, họ tăng giá bù cho công bỏ ra để tìm nguồn hàng. Chẳng hạn, ngay tại P.15, Q.Tân Bình vẫn có chỗ bán giá sỉ các loại rau củ từ Đà Lạt đưa về giá 8.000 – 12.000 đồng/kg, bán lẻ chỉ 15.000 – 18.000 đồng/kg là có lời rồi. Nhưng vì những tiểu thương không đi lấy hàng được nên buộc phải mua hàng trên chợ online trong khu dân cư mình giá 30.000 đồng/kg để ăn tạm. Trên các chợ online tự phát, người bán hàng không chuyên, tranh thủ lấy được nguồn hàng từ người quen và bán giá cao hơn tại chợ truyền thống từ 30 – 50% để hưởng chênh lệch trong bối cảnh “củi châu gạo quế”.
Chợ truyền thống mở thì hàng hóa mới giảm nhiệt được
Theo Sở Công thương TP.HCM, sẽ có khoảng 90.000 shipper đã đăng ký được phép hoạt động liên quận, huyện và TP.Thủ Đức thay vì chỉ có khoảng 20.000 người tham gia vào ngày 16.9. Giá cả các mặt hàng thiết yếu neo ở mức cao một phần do thiếu chợ truyền thống trầm trọng, các kênh phân phối bình dân đến tay người tiêu dùng hầu như không có, khiến hàng hóa tuy có được đưa về thành phố nhiều hơn, vẫn không giúp kéo giá bán lẻ xuống thấp hơn như kỳ vọng.
Từ 20 giờ tối nay 20.9, theo kế hoạch của UBND H.Hóc Môn, điểm tập kết – trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn bắt đầu hoạt động với khoảng 12 thương nhân tập kết các mặt hàng rau củ quả là chính. Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho hay lượng hàng của thương nhân đưa về chưa có số liệu nhưng do ngày đầu, đa số có tâm lý tập kết vừa phải, sản lượng ước tính khoảng vài chục tấn. Trong khi đó, điểm tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền sau hơn 10 ngày hoạt động, hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt heo về chợ đã tăng dần gần 100 tấn. Tương tự, điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức, sau thời gian tạm ngưng vì phòng chống dịch từ ngày 23.8, nay đã hoạt động trở lại. Lượng hàng hóa về đây khoảng hơn 70 tấn mỗi đêm, chủ yếu hàng trái cây.
Theo Sở Công thương TP.HCM, sau khi các điểm tập kết chợ đầu mối hoạt động trở lại đều hơn, các địa phương mở lại hoạt động thêm nhiều chợ lẻ, chợ dã chiến cho tiểu thương quay lại bán trong giãn cách, đảm bảo an toàn… chắc chắn giá bán lẻ sẽ giảm so với hiện nay. “Quy luật cung cầu là khi nguồn hàng cung ứng về nhiều hơn, các yếu tố khác không thay đổi thì giá bán chắc chắn sẽ giảm xuống. Đặc biệt, kênh phân phối càng tiện lợi, gần sát với người dân thì giá hàng hóa sẽ càng giảm. Chúng tôi hy vọng với sự mở lại dần các kênh phân phối, đặc biệt các điểm tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối, tới đây, giá cả hàng thiết yếu sẽ giảm nhiều, giúp bà con có cơ hội tiếp cận hàng hóa phong phú và… dễ thở hơn”, vị này chia sẻ.
Theo Nguyên Nga – Mai Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)