Từ ngày 1-3, nhiều mặt hàng sẽ áp dụng giá mới, tăng 5% – 15% so với mức giá hiện tại.
Nhiều nhà cung cấp các mặt hàng sữa, dầu ăn, mì gói, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, may mặc… đã thông báo tăng giá. Mặc dù các siêu thị đều làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo có mức tăng hợp lý nhưng việc tăng giá là khó tránh khỏi.
Hàng hóa trong siêu thị bắt đầu tăng giá. Ảnh: Hồng Thúy
Siêu thị cũng tăng giá
Theo các siêu thị TPHCM, nhiều nhà cung cấp hàng may mặc, đồ dùng gia đình, thực phẩm công nghệ, bánh kẹo,… nhập khẩu hoặc có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu đã thông báo tăng giá với mức tăng trung bình 5% – 15%. Theo đó, các loại mì gói Đệ Nhất, Hảo Hảo, Omachi… tăng 5.000 đồng – 10.000 đồng/thùng, dầu ăn các loại tăng lên 40.000 đồng – 43.000 đồng/lít, tương ứng với mức tăng 9% – 10% so với trước Tết…
Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho biết có đến 30% – 40% nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm chế biến, sữa, hóa mỹ phẩm, may mặc, dầu ăn, sữa bột… trong nước và nhập khẩu đề xuất tăng giá và sẽ áp dụng từ đầu tháng 3. “Chiếm phần lớn trong số này là những doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, theo đà tăng của tỉ giá, giá vàng, nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng… và tình hình thị trường hiện nay, không sớm thì muộn, những doanh nghiệp còn lại cũng sẽ tăng giá”- ông Tuấn dự báo.
Mặc dù để bảo đảm có giá tốt cho người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh, khi nhận được thông báo tăng giá, những hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart, BigC đều tổ chức làm việc với nhà cung cấp để có mức điều chỉnh hợp lý nhất nhưng việc tăng giá là không tránh khỏi. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đơn vị đang làm việc với các nhà cung cấp đề xuất tăng giá đợt này về nguyên nhân tăng, mức tăng…
Nếu nhà cung cấp nào tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” thì siêu thị sẽ kiên quyết từ chối và thay thế bằng nhà cung cấp khác. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, cho biết khi nhà cung cấp đề nghị tăng giá, siêu thị thương lượng với nhà cung cấp trên cơ sở so sánh với giá của các mặt hàng cùng chủng loại, so với giá của chính nhà cung cấp đó trên thị trường, giá bán tại các siêu thị khác… để có mức tăng thích hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart, mặc dù trước Tết, Vinatex đã ứng gần 100 tỉ đồng cho nhà cung cấp để giữ giá, hai bên cam kết sẽ giữ giá cho đến hết tháng 3 nhưng hiện nay, một số nhà cung cấp đã đặt vấn đề tăng giá. Do giá cả thị trường biến động mạnh nên siêu thị không thể buộc họ giữ giá như cam kết mà yêu cầu áp dụng mức tăng 5% – 10% cho người tiêu dùng đỡ sốc.
Đẩy mạnh kiểm soát thị trường
Tại các chợ, giá nhiều loại hàng hóa cũng đang nhích lên từng ngày. Riêng một số loại thực phẩm thiết yếu, mặc dù đã hạ nhiệt so với cao điểm Tết nhưng vẫn còn đứng ở mức rất cao: thịt heo đùi, ba rọi 70.000 đồng – 72.000 đồng/kg; thịt bò phi lê 140.000 đồng – 160.000 đồng/kg; tôm bạc 100.000 đồng – 110.000 đồng/kg; mực ống 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg…
Nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng sữa cho biết hiện đã có một số hãng sữa tăng giá bán như Friso, Dutch Lady với mức tăng từ 5%- 10%. Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho hay công ty đã nộp hồ sơ lên Bộ Tài chính để xin điều chỉnh giá mặt hàng sữa Lactogen. Dự kiến cuối tháng 2 này sẽ áp dụng mức tăng khoảng 10%. Còn theo ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco, công ty đang chuẩn bị thông báo đến khách hàng điều chỉnh giá sữa bột tăng khoảng 10% vào ngày 1-4 tới… Nhiều hãng sữa khác cũng có thông báo tăng giá từ đầu tháng 3 tới, trong đó có hãng sữa Abbott.
Một số hãng sữa chưa chính thức áp dụng giá mới nhưng giá bán lẻ các mặt hàng sữa bột trên thị trường trong mấy ngày qua đã tăng thêm từ 10.000 đồng-25.000 đồng/hộp. Theo các cửa hàng sữa, sở dĩ giá sữa đồng loạt tăng là do nguồn hàng đang gặp khó khăn, nhà phân phối cung cấp nhỏ giọt, thậm chí “kêu” hết hàng để chờ thông báo giá mới. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một đại lý sữa ở quận 3-TPHCM, còn cho biết bình thường, mức chiết khấu mặt hàng sữa cho các đại lý từ 5%-7%, nay họ cắt hết. Do đó, người bán lẻ phải nâng giá bán để bù vào phần thiếu hụt này.
Theo các chuyên gia kinh tế, sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập, khi tỉ giá tăng, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng thì giá cả hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, để hạn chế tác động xấu đến thị trường, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp lệnh giá. UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra giá, niêm yết giá… không để thị trường “té nước theo mưa”.
Giá thép tăng vọt, doanh nghiệp vẫn kêu lỗ
Cuối tuần qua, các hãng thép Vina Kyoei, Pomina, VNSTEEL… đồng loạt điều chỉnh giá tăng thêm từ 300.000 đồng- 500.000 đồng/tấn, tùy loại. Giá thép giao tại nhà máy (đã có thuế) được đẩy lên 17,6 triệu- 18,4 triệu đồng/tấn, kéo giá thép bán lẻ trên thị trường lên 18,5 triệu đồng cho đến gần 19 triệu đồng/tấn. Mặc dù giá thép đã tăng cao như vậy nhưng lãnh đạo nhiều hãng sản xuất thép vẫn kêu giá thép đang bán dưới giá thành, lần điều chỉnh giá này là do ảnh hưởng từ tỉ giá tăng. Đợt tăng giá này chỉ là để thăm dò thị trường, do giá bán hiện tại vẫn còn bị lỗ và phải điều chỉnh tăng thêm cả triệu đồng/tấn nữa mới thật sự có lãi.
|
Thanh Nhân – Nguyễn Hải / NLĐ
Bình luận (0)