Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Già Kor hiến đất xây trường

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nói về rừng núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), người dân luôn mãi ca tụng hình ảnh của đôi vợ chồng già người dân tộc Kor đã hiến gần 1.000m2 đất để xây dựng điểm Trường Tiểu học Trà Sơn II, huyện Trà Bồng.
Học tập theo gương Bác
Nhắc đến cụ ông Hồ Ngọc Ký và cụ bà Hồ Thị Non, người dân trên mảnh đất tỏa ngát “hương quế Trà Bồng” cũng đều biết đến. Con đường đến nhà già Kor thật gập ghềnh, nhưng càng đi tôi càng hào hứng vì muốn được mắt thấy tai nghe những câu chuyện về ông.
Nhà ông ở gần chân núi Bàn Đáo (thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn). Năm nay ông đã 76 tuổi, dáng người đang yếu dần theo năm tháng. Ông kể cho tôi nghe: “Ngày xưa, tôi là bộ đội thuộc Trung đoàn 102A. Kết thúc chiến tranh, tôi được phân công làm công an xã. Cháu nhìn lên tường kìa, năm nay tôi cũng hơn 35 tuổi Đảng rồi đấy”.
Qua tìm hiểu, ông Hồ Ngọc Ký đã sống qua nhiều thời kỳ, từ những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đến chống “giặc đói”, “giặc dốt” và luôn được dân làng tín nhiệm. Trước những năm 1954, ông tham gia cách mạng và cũng đã từng là thầy giáo giảng dạy các lớp bình dân học vụ. Sau đó ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và tham gia nhiều chiến trường ác liệt với nghiệp nhà binh. Đến năm 1984, ông nghỉ hưu và trở về quê hương Trà Sơn. Tại chốn quê đầy nắng và gió, ông được chính quyền giao nhiệm vụ lần lượt như Trưởng công an, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trà Sơn và Bí thư Chi bộ thôn Sơn Bàn qua nhiều nhiệm kỳ.
Không chỉ hiến tặng đất xây trường học, gia đình ông còn hiến đất cho những hộ dân dựng nhà để ở. Một thoáng suy ngẫm, ông kể tiếp: “Tôi là con cháu Bác Hồ, được mang họ Hồ, tôi rất tự hào về điều này. Ngày xưa, tổ tiên đã để lại cho gia đình tôi rất nhiều đất rừng, đất rẫy. Bây giờ bà con gặp khó khăn thì phải giúp họ, giúp các cháu có chỗ học đàng hoàng, như vậy mới xứng đáng là con cháu Bác Hồ chứ”.
Vì thế hệ tương lai
“Tôi thấy các cháu nhỏ đi học xa quá, phải lặn lội qua sông qua suối đến trường và rất nguy hiểm mỗi khi trời đổ mưa. Cho nên những năm vừa qua hiện tượng bỏ học ở đây tăng cao, tỷ lệ mù chữ nhiều. Thương cho tương lai các cháu, tôi đã bàn với gia đình và quyết định hiến tặng phần đất của mình để con đường đến trường của các cháu không còn xa xôi nữa”, ông Hồ Ngọc Ký giãi bày.
Từ khi được gia đình ông Ký hiến đất, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đã tiến hành xây phòng học theo nguồn vốn của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với 3 phòng học cấp 4, số lượng học sinh dao động hàng năm khoảng 30 học sinh gồm lớp 1B, 2B và 3B; thuộc điểm lẻ của Trường Tiểu học Trà Sơn II.
Là người tiếp cận với tri thức khá sớm, là thầy giáo, là anh bộ đội cụ Hồ, hơn ai hết, ông Hồ Ngọc Ký thấu hiểu giá trị của cái chữ, cái tình và cái tâm. Ngày ngày, những lúc rảnh rỗi ông thường qua lớp học thăm các cháu học sinh và đặt nhiều hy vọng về thế hệ tương lai. Ông thổ lộ: “Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, rồi cũng trở về với đất thôi. Tôi tin rằng, với cống hiến hôm nay sẽ giúp thế hệ tương lai biết phải làm gì để giữ đất, giữ rừng và làm giàu cho đất nước”.
Với những cống hiến cho ngành giáo dục, vào tháng 5 năm 2008, ông được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen vì “Đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo của đất nước” và nhiều bằng khen khác từ cấp tỉnh đến xã. Dù được Đảng và Nhà nước tuyên dương những thành tích mà ông đã đóng góp cho ngành giáo dục nhưng trong lòng ông còn nhiều nỗi ưu tư, ông bày tỏ: “Cho đến nay, tôi vẫn chưa yên tâm khi điểm trường này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ngoài ra, tôi mong muốn ngành giáo dục và địa phương quan tâm hơn nữa đến việc trang bị thiết bị dạy học, nhà vệ sinh và chính sách cho các em để thầy và trò đỡ phải chịu nhiều thiệt thòi”.
Mùa xuân lặng lẽ về trên vùng núi Bàn Đáo, hương thơm nồng nàn của quế lan tỏa vào từng gia đình người Kor. Mùa xuân đến với kỳ vọng về ngày mai tươi đẹp như ước vọng của già Kor về những cô cậu học trò nơi mảnh đất này.
Hồng Vương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)