Đất thị trấn đang lên giá từng ngày, nhưng cô vẫn sẵn sàng hiến đất để xây lớp học, “khùng” hơn khi cô chính là người đi vay tiền nợ lãi để xây lớp, đón học sinh về dạy.
Cô giáo Kpă H’dup của làng Plei Kly Phun.
Người dân thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai luôn biết đến cô giáo Kpă H’dup (51 tuổi) ở làng Plei Kly Phun như một người phụ nữ trong câu chuyện cổ tích bước ra.
Tốt nghiệp trường Sư phạm mẫu giáo Gia Lai năm 1976, cô giáo Kpă H’Dup đã xin về nơi mình sinh ra để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Cô được phân công về dạy lớp mầm non tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong.
Lớp học thì nghèo nàn làm bằng thanh tre, vách nứa, không có cửa nẻo gì hết. Thương học trò nghèo, để chúng thấy mỗi ngày đến lớp là một niềm vui nên cô luôn trang trí phòng học cho thật đẹp, làm những đồ chơi bằng giấy… cho trẻ. Công sức bỏ ra là vậy, nhưng sáng mai đến lớp là không còn gì hết, phòng học tanh bành vì bị những trẻ em nghịch ngợm khác đến phá hỏng.
Thời gian cứ trôi, mà tình hình vẫn không thay đổi, trong khi trẻ em của làng Plei Kly Phun ngày càng ít đi học, dù cô đã đến từng nhà vận động. Nhưng cảnh nghèo đói khiến cho các em ở đây chỉ biết theo cha mẹ vào rẫy đi làm. Cô buồn bã và lo cho cái vòng luẩn quẩn của tương lai những đứa trẻ đồng bào J’rai của mình.
Rồi tai họa ập đến đầu cô, năm 2003, đứa con trai khôi ngô, đang học lớp 6 của cô bỗng dưng qua đời bị căn bệnh viêm màng não. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì năm sau, 2004, chồng cô làm giáo viên cũng ra đi theo cậu con trai. Tận cùng của nỗi đau mất người thân, cô tưởng mình đã ngã quỵ. Nhưng rồi được những đồng nghiệp của mình đến an ủi, rồi còn phải lo cho tương lai của 6 đứa con của mình nữa nên cô đã nén nỗi đau và vực dậy.
Năm 2005, cô quyết định hiến một phần của mảnh đất nhà mình để xây lớp học cho những đứa trẻ của làng Plei Kly Phun. Không có tiền xây phòng, cô đã làm đơn vay ngân hàng 10 triệu đồng để dựng phòng học. Số tiền ít ỏi này cũng chỉ đủ làm phần móng, láng nền, mua tôn và ván gỗ để dựng một lớp học đơn sơ cùng ít đồ dùng học tập.
Lớp học đã có, hàng ngày cô lại đến từng nhà vận động từng gia đình để cho con trẻ đi học. Cảm phục trước tấm lòng của cô giáo nhiều phụ huynh đã dẫn con đến lớp cô giáo Kpă H’dup trước khi đi rẫy.
Đến năm 2009, lớp học bị xuống cấp trầm trọng, học sinh ngồi học trong những khe hở của nắng nóng, còn trời mưa thì cô trò lại đi hứng những giọt nước mưa. Thấy vậy, số lượng học sinh đến lớp lại thưa dần.
Lớp học khang trang của cô giáo Kpă H’dup.
Lòng cô đau như thắt lại. Cô biết, người đồng bào mình nghèo là vì “đói cái chữ”: “Muốn thoát nghèo là phải có văn hóa, phải biết tính toán… như vậy thì chỉ có con đường duy nhất là đi học”. Nghĩ vậy, cô quyết định phá bỏ phòng học cũ, xây phòng học mới.
Nhưng cuộc sống của cô còn quá nhiều khó khăn, với đồng lương ít ỏi, một mình phải nuôi 6 đứa con, trong đó có hai đứa đang học lớp 7 và lớp 8. Để xây được phòng học là điều không dễ. Nhưng đã quyết là làm, cô đã làm đơn vay 30 triệu đồng về xây lớp học khang trang hơn. Chỉ sau vài tháng lớp học mới đã đi vào hoạt động.
Buồn nỗi, ngoài cái phòng ra thì bên trong không có lấy một cái ghế hay bất kì đồ chơi, đồ dùng cho học sinh (ngoài vài quyển sách bé tập tô, sách toán… của nhà nước hỗ trợ). Học sinh đến lớp chỉ ngồi dưới sàn nhà. Cô lại lặn lội đến trường tiểu học Lê Hồng Phong, xin lại những bàn ghế đã hư hỏng về đóng lại cho học sinh ngồi. Học sinh đi học không có tiền mua bảng con, phấn viết, bút tô… cô lại trích tiền lương của mình để mua và làm đồ chơi cho trẻ.
Hàng ngày cô vẫn đến nhiều gia đình vận động cha mẹ cho trẻ đến lớp để… thoát nghèo, thương cô giáo nên trẻ con trong làng đã đến đi học đầy đủ. Hiện lớp của cô luôn vang tiếng cười của 25 đứa học trò nhỏ cùng 5 đứa em hàng ngày theo anh chị đến lớp ngồi học.
Cô tâm sự, số nợ của cô có lẽ phải 3 năm nữa mới trả hết được.
Trước việc làm cao đẹp của cô Kpă H’dup, nhiều người luôn xem cô là cô tiên trong chuyện cổ tích bước ra. Còn những người thấy giá đất thị trấn đang lên theo thời gian thì nói cô là “khùng”. Còn với cô: “Nâng cao trình độ dân trí bằng con đường học hành mới mong thoát được cái nghèo bao đời này của người J’rai” là quan trọng nhất.
Thiên Thư (dantri)
Bình luận (0)