Mới tuần trước, giá lúa gạo ở ĐBSCL lên cơn sốt, kéo hàng loạt thương lái ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… tranh nhau mua lúa cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cứ ngỡ giá lúa tiếp tục leo thang nhưng 2 ngày qua lại giảm, doanh nghiệp hạn chế thu mua khiến nhiều người lo lắng…
Lúa gạo nóng lạnh thất thường
Chiều 9-9, giá lúa thường ở ĐBSCL dao động 4.900 – 5.000 đồng/kg, lúa dài 5.300 đồng/kg, lúa thơm 6.100 – 6.200 đồng/kg… bình quân giảm 300 – 400 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi đó, giá gạo cũng giảm 200 – 400 đồng/kg. Hiện gạo thường chỉ còn 6.800 đồng/kg, gạo dài 6.900 – 7.000 đồng/kg, gạo thơm 7.500- 7.600 đồng/kg…
Anh Nguyễn Thanh Lâm, thương lái ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết giá lúa gạo hiện nay thay đổi không biết đâu mà lường. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2010, gạo hút hàng, số lượng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thương lái và nông dân đều háo hức. Mấy ngày qua mọi chuyện trái ngược, giá gạo giảm – doanh nghiệp không mua.
Tại các chợ gạo ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang)…, không khí thu mua gạo đã hạ nhiệt về giá cả lẫn số lượng.
Anh Trần Văn Phương, thương lái xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), thừa nhận: Đợt rồi vừa bán 10 tấn gạo tính ra hòa vốn, nay gạo tuột dốc và khó bán nên neo ghe chịu đóng lãi ngân hàng chứ không dám mua lúa?
Theo ông Phạm Thanh Thuận, Trưởng phòng Công thương huyện Hòn Đất (Kiên Giang), mới tuần trước thương lái các nơi ùn ùn kéo về Hòn Đất tranh nhau mua lúa hè – thu muộn, thậm chí thương lái đặt cọc trước. Nay lượng ghe về mua lúa đã giảm, khiến người dân lo lắng. Theo Viện Lúa ĐBSCL, lúa hè – thu đã vào giai đoạn cuối vụ, sản lượng hiện nay không còn nhiều nhưng giá giảm khiến tâm lý bà con bất ổn.
Theo ông Phạm Thanh Thuận, Trưởng phòng Công thương huyện Hòn Đất (Kiên Giang), mới tuần trước thương lái các nơi ùn ùn kéo về Hòn Đất tranh nhau mua lúa hè – thu muộn, thậm chí thương lái đặt cọc trước. Nay lượng ghe về mua lúa đã giảm, khiến người dân lo lắng. Theo Viện Lúa ĐBSCL, lúa hè – thu đã vào giai đoạn cuối vụ, sản lượng hiện nay không còn nhiều nhưng giá giảm khiến tâm lý bà con bất ổn.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Trần Quang Củi kiến nghị, thị trường lúa gạo nhiều biến động, giá cả lên xuống thất thường nên ngành chức năng cần có biện pháp giữ giá lúa hè – thu và thu – đông khoảng 5.000 đồng/kg để đảm bảo đời sống người dân.
Dự báo giá lúa gạo sẽ sớm ổn định. Ảnh: H. LỢI
|
Ổn định ở mức cao
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sở dĩ giá lúa tăng mạnh trong thời gian gần đây là nhờ việc điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng chỉ giao khoảng 400.000 – 500.000 tấn gạo nhưng riêng tháng 8 các doanh nghiệp đã giao trên 800.000 tấn gạo theo các hợp đồng xuất khẩu, số lượng cao kỷ lục từ trước đến nay. Dự kiến, tháng 9-2010 các doanh nghiệp tiếp tục giao khoảng 800.000 tấn gạo cho nhà nhập khẩu. Việc tăng cường giao gạo sẽ đẩy giá lúa hàng hóa lên cao.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho rằng: Hiện nay giá lúa gạo giảm nhẹ chỉ là diễn biến nhất thời, dự báo những ngày tới giá sẽ ổn định trở lại. Mục tiêu hàng đầu của VFA là cố gắng điều hành việc xuất khẩu gạo một cách tốt nhất, nhằm giữ giá lúa hàng hóa từ nay đến cuối năm 2010 ở mức cao, bình quân từ 5.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo nông dân có lãi. Đây mới là vấn đề quan trọng.
VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới những tháng cuối năm rất tốt, bởi nhiều nước bị thiên tai, mất mùa. Do đó, người dân trồng lúa không nên hoang mang lo lắng, tránh tình trạng bán đổ bán tháo dẫn đến giảm giá gây thiệt hại.
VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới những tháng cuối năm rất tốt, bởi nhiều nước bị thiên tai, mất mùa. Do đó, người dân trồng lúa không nên hoang mang lo lắng, tránh tình trạng bán đổ bán tháo dẫn đến giảm giá gây thiệt hại.
VFA khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch lúa hè – thu thật tốt đảm bảo chất lượng và chăm sóc chu đáo vụ lúa thu – đông để cung ứng lượng gạo cần thiết, phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm. VFA sẽ theo dõi chặt diễn biến thị trường lúa gạo thế giới để điều hành hợp lý theo chiều hướng có lợi cho người trồng lúa.
HUỲNH PHƯỚC LỢI / SGGP
Bình luận (0)