Bình Định là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có các dự án điện gió được cấp phép đầu tư. Trong khi nhà đầu tư triển khai dự án, vấn đề cơ chế và giá bán điện cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, phó ban quản lý khu kinh tế Bình Định cho biết, đến nay, tỉnh này đã cấp giấy phép đầu tư cho hai dự án phát triển điện gió là nhà máy điện gió Phương Mai 1 với diện tích 143ha của công ty phong điện Phương Mai và nhà máy điện gió Phương Mai 3 với diện tích 140ha của công ty cổ phần phong điện miền Trung. Hai nhà máy này có tổng công suất hơn 50MW. Ngoài ra, công ty TNHH Nguyễn Gia cũng đang khảo sát để lập dự án xây dựng nhà máy điện gió với công suất từ 120 – 180MW.
Trong ảnh: Tuabin công suất 1,5MW ở Bình Thuận. Ảnh: AQ.
Vẫn là kế hoạch
Theo kế hoạch, nếu thoả thuận được giá bán điện với EVN, đến cuối năm nay, công ty cổ phần phong điện miền Trung sẽ ký hợp đồng mua thiết bị, sau đó cung cấp số liệu địa chất cho nhà sản xuất thiết bị để điều chỉnh thiết kế móng các tuabin; dự kiến đến năm 2013, nhà máy điện gió Phương Mai 3 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư vẫn mong sắp tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách để hỗ trợ cho các dự án phong điện.
“Từ đầu những năm 2000, Bình Định muốn phát triển các dự án điện gió, bởi vì đây là một trong những địa phương có tiềm năng điện gió lớn nhất cả nước. Tỉnh Bình Định xác định: lấy các dự án điện gió làm tiền đề để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất năng lượng sạch. Trong quá trình triển khai các dự án này, tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa; việc giải phóng mặt bằng cho các dự án điện gió cũng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này vẫn chưa thể triển khai do gặp nhiều vướng mắc, trong đó, vướng mắc lớn nhất là thiếu cơ chế, chính sách trong phát triển điện gió, khiến các nhà đầu tư chùn chân”, ông Toàn nói.
Chờ chính sách
Ông Bùi Quang Ngân, phó tổng giám đốc công ty cổ phần phong điện miền Trung, chủ đầu tư dự án nhà máy phong điện Phương Mai 3, cho biết: “Từ năm 2000 – 2007, EVN đã thoả thuận chỉ mua điện của dự án nhà máy phong điện Phương Mai 3 của chúng tôi với giá 4 cent/kWh. Giá mua điện thấp như vậy, đã làm cho công ty chúng tôi tuột mất cơ hội thực hiện dự án với sự trợ giúp của quỹ phát triển quốc tế (DANIDA) của Đan Mạch năm 2005 và đến nay vẫn chưa triển khai được”.
Trước những hệ luỵ mà thuỷ điện mang lại, với quyết định số 130 của Chính phủ ban hành ngày 2.8.2007 quy định chung về cơ chế ưu tiên phát triển năng lượng sạch. Thế nhưng, phải gần bốn năm sau, nhà đầu tư mới biết được giá điện mà mình bán cho EVN là bao nhiêu và mức trợ giá của Chính phủ cho nguồn điện gió. Gần đây, quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6 của Chính phủ đã quy định về giá mua điện của EVN là 7,8 cent/kWh và việc trợ giá thêm 1 cent/kWh cho các nhà máy này, lấy từ quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng, mức giá này vẫn chưa thể đảm bảo để các nhà máy điện gió hoạt động, bởi giá thành sản xuất 1 kWh điện gió đã lên tới 10 – 12 cent/kWh.
Đại diện nhà đầu tư (công ty cổ phần phong điện miền Trung) cho biết: “Vì thời gian nghiên cứu quá dài, đến khi chính sách được ban hành thì nó trở nên lạc hậu. Hiện nay, do giá nguyên liệu và nhân công tăng, nhu cầu đầu tư các dự án phong điện ở các nước Âu, Mỹ phát triển mạnh, làm cho giá thiết bị tăng vọt, dẫn đến giá thành sản xuất 1kWh điện đã lên tới 10 – 12 cent/kWh”. Do vậy, mức giá 7,8 cent/kWh vẫn chưa thể đảm bảo để đầu tư các nhà máy điện gió hoạt động. Theo ông Ngân, hiện nay các nhà đầu tư điện gió đang mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ các dự án điện gió, sao cho các nhà đầu tư có thể có lãi, khi đó các dự án điện gió mới thật sự khả thi, đóng góp sản lượng đáng kể cho tổng sản lượng điện quốc gia.
Uyên Thu / SGTT
Bình luận (0)