Hội nhậpThế giới 24h

Giá năng lượng nhiều biến động

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Nga nối lại nguồn cung khí đốt nhưng giảm công suất khiến châu Âu đối mặt với một mùa đông đầy thách thức

Nga nối lại hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1) ngày 21-7, sau khi kết thúc 10 ngày bảo trì. Tuy nhiên, Chủ tịch Cơ quan Quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller cho biết lượng khí đốt được Tập đoàn Gazprom (Nga) chuyển qua Nord Stream 1 chỉ bằng 30% công suất đường ống.

Trước khi dừng hoạt động để bảo trì từ hôm 11-7, lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 đã bị cắt giảm đến 60% so với trước đây. Lý giải về sự sụt giảm này, Nga nói rằng một tua-bin do Công ty Siemens Energy (Đức) sản xuất đang được bảo trì tại Canada bị chậm trả lại. Tuy nhiên, theo AP, chính phủ Đức cho rằng Nga đang siết chặt nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây và đẩy giá nhiên liệu lên cao.

Theo ông Mueller, dù công suất có thể sẽ tăng trở lại mức 40% như trước bảo trì nhưng vẫn không đủ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Nếu không có khí đốt từ Nga, châu Âu khó có đủ năng lượng cung cấp cho các hộ gia đình trong mùa đông và đối mặt nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế.

Chuẩn bị cho kịch bản Nga tiếp tục giảm lượng khí đốt hoặc thậm chí khóa van, Liên minh châu Âu (EU) hôm 20-7 đề xuất các nước trong khối cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng đến tháng 3 năm sau.

Các nước EU đang nỗ lực lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt trước ngày 1-11 từ mốc 65% hiện tại. Ông Tim Partridge, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng tại Tập đoàn DB Group Europe (Scotland), hôm 20-7, nhận định: "Việc duy trì dòng chảy khí đốt nhưng ở mức hạn chế cho phép Điện Kremlin sử dụng đường ống để khống chế tình hình trong khi vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ giá năng lượng tăng".

Giá năng lượng nhiều biến động - Ảnh 1.

Các đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Nord Stream 1 tại cơ sở ở khu vực Lubmin – Đức. Ảnh: Reuters

Phát biểu trong chuyến thăm Iran hôm 19-7, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga có thể giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu, từ 60 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 30 triệu m3/ngày, tương đương 1/5 công suất tối đa, nếu phương Tây tiếp tục trừng phạt Moscow.

Không chỉ khí đốt, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh Nga sẽ không xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới nếu mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước cân nhắc áp giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga – mức đang thảo luận là khoảng 40-60 USD/thùng, theo hãng tin Bloomberg.

Đáp lại, Tổng thống Putin cảnh báo việc giới hạn giá dầu của Nga có thể gây bất ổn thị trường dầu toàn cầu và đẩy giá nhiên liệu lên cao. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết Mỹ hy vọng giá trần trên phạm vi toàn cầu đối với dầu của Nga sẽ được đưa ra trước tháng 12-2022.

Trong khi đó, giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch thứ hai liên tiếp ngày 21-7, sau khi các số liệu chính phủ cho thấy lượng dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng cùng với nguồn cung năng lượng của Libya và Nga được đưa trở lại thị trường. Lượng dự trữ xăng dầu của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích trong khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) hôm 20-7 thông báo đã nối lại hoạt động ở một số mỏ.

Theo Reuters, giá dầu Brent có lúc giảm 4,8%, xuống 101,79 USD/thùng ngày 21-7; còn giá dầu WTI của Mỹ giảm 5,06%, xuống 94,83 USD/thùng. 

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)