Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá nhà thành phố cao gấp 28 lần thu nhập người trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người mới ra trường làm việc tại các đô thị phát triển đang mất dần cơ hội mua nhà vì thu nhập không đuổi kịp giá bất động sản.

Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam (Vietnam Real estate Summit) – VRES 2019 do kênh thông tin Batdongsan.com.vn tổ chức, đơn vị này dẫn nguồn khảo sát từ Navigos 2019 về giá nhà tại TP HCM và Hà Nội đang cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người dân.

Khảo sát được tiến hành trên nhiều nhóm đối tượng có thu nhập ổn định từ mức thấp 72 triệu đồng một năm đến mức tăng dần lên 264 triệu đồng một năm theo nhu cầu cơ bản về nhà ở là căn hộ 2 phòng ngủ, trị giá 2 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy với thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường ở mức thấp nhất nhóm khảo sát là 72 triệu đồng một năm, giá nhà cao hơn thu nhập của người lao động tới 28 lần. Giá nhà tại 2 đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam cũng cao gấp 17 lần thu nhập trung bình của nhân viên có kinh nghiệm lâu năm (120 triệu đồng một năm).

Trưởng nhóm và giám sát có thu nhập trung bình 192 triệu đồng mỗi năm ghi nhận giá nhà trên thị trường cao gấp 10 lần thu nhập. Trong khi đó, cấp quản lý, trưởng phòng với thu nhập đạt 264 triệu đồng một năm, giá căn hộ trên thị trường cao gấp 7 lần thu nhập của nhóm này.

Một dự án chung cư bình dân đã được bán ra thị trường từ nhiều năm trước. Ảnh: Hao Bui

Một dự án chung cư bình dân đã được bán ra thị trường từ nhiều năm trước. Ảnh: Hao Bui

Trước đó, hồi quý III/2019, DKRA từng công bố bức tranh ảm đạm về cơ hội mua nhà của người trẻ khi bất động sản giá rẻ ngày càng ít dần. Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho biết, năm 2016 nguồn cung căn hộ hạng C (chung cư bình dân, giá rẻ) chiếm 30% thì đến năm 2018 còn 17-19%. Năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng một căn.

Trong 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 -21 triệu đồng mỗi m2 nay đã chạm ngưỡng 25-36 triệu đồng mỗi m2. Giá bất động sản không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Lâm chỉ ra, nếu lấy mức thu nhập 20 triệu đồng một tháng làm mốc thì giá nhà gấp 4-5 lần thu nhập hàng năm. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương ở mức khá cũng chỉ có thể mua nhà một tỷ đồng. Song bất cập lớn nhất hiện nay là TP HCM không còn căn hộ giá rẻ phục vụ nhóm đối tượng này. Các dự án chung cư chào bán phổ biến trên thị trường trong vài quý gần đây thấp nhất cũng ở ngưỡng trên dưới 30 triệu đồng mỗi m2.

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết trong giai đoạn 2016-2018, người Việt khó mua được bất động sản bằng tiền tích lũy vì giá đất tăng quá nhanh. Trong năm 2019 người có thu nhập từ việc làm công ăn lương với tuổi đời còn trẻ càng không thể dễ dàng tiếp cận các căn hộ bình dân.

Ông Nghĩa cho hay đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tốc độ tăng giá bất động sản trong chu kỳ 3 năm sốt đất và một thập niên gần đây. Theo đó, trong 3 năm cơn sốt đất lan rộng cả nước 2016-2018, người dân không kịp tạo ra dòng tiền tích lũy để mua bất động sản vì tốc độ kiếm tiền quá chậm so với các đợt tăng giá đất. Trong ba năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong giai đoạn này, nếu người Việt tiết kiệm và chỉ trông đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là không tưởng.

Chuyên gia này đánh giá, đa số người Việt sở hữu được bất động sản giai đoạn 2016-2018 đều ở hình thức chuyển đổi dòng tiền từ kinh doanh, sản xuất, đầu tư tài chính… sang nhà đất. Trường hợp cá biệt, giới đầu cơ bất động sản dễ dàng sở hữu, hoán đổi tài sản trong điều kiện sốt đất nhờ tích lũy dòng tiền nhanh đột biến.

Theo Vũ Lê/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)