Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá nhiều mặt hàng vẫn chưa thể giảm theo giá xăng

Tạp Chí Giáo Dục

Giá dầu ăn trong chương trình bình ổn giá của TPHCM đã giảm bình quân 3.000 đồng/lít nhưng giá các mặt hàng thiết yếu khác vẫn chưa có dấu hiệu giảm sau khi Sở Tài chính đề nghị các doanh nghiệp xem xét lại giá bán.

Sau khi giá xăng dầu liên tục giảm, giá heo, gà thịt tại các trại nuôi cũng giảm, người tiêu dùng chờ đợi nhóm hàng thịt heo, thịt gà sẽ giảm giá. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này vẫn không thay đổi. Theo ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) – giá thịt heo, gà không giảm là do chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu giá của hai mặt hàng này. 

Hiện Sở Tài chính TP.HCM đang đánh giá mức giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu giá thành các nhóm hàng thiết yếu

Hiện Sở Tài chính TPHCM đang đánh giá mức giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu giá thành các nhóm hàng thiết yếu

Ông Trương Chí Thiện – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cho biết giá thành sản xuất trứng gia cầm tăng cao. Riêng giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, các chi phí lương nhân công, thuốc thú y… đều tăng. Giá các mặt hàng bình ổn thị trường thấp hơn giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10% nhưng hiện nay, giá trứng gia cầm bình ổn thị trường đang thấp hơn giá thị trường đến 15%. Lẽ ra, doanh nghiệp (DN) có thể xin tăng giá trứng do đủ điều kiện để tăng, nhưng họ vẫn cố giữ mức giá này.

Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân – cũng cho biết mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi không giảm, chi phí đầu vào vẫn rất cao, công ty cố cầm cự để không tăng giá trứng chứ không thể giảm. 

Đại diện Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu giá thành các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, dịch vụ hậu cần (logistics) hiện vẫn còn cao. Dù vậy, một số DN trong chương trình bình ổn thị trường cũng đang cố gắng giảm giá nhẹ đối với một số nhóm hàng. Mức giảm có thể chỉ từ 5-10%. 

Ông Trương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực FFA, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp TPHCM – cho rằng dù giá xăng dầu giảm nhiều kỳ nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đợt giảm giá xăng dầu mới đây chỉ tạm thời làm giảm phần nào khó khăn cho DN và tạm thời chặn đà tăng giá cả tiêu dùng, chặn đứng nguy cơ lạm phát chứ chưa thể đưa giúp DN sản xuất, kinh doanh đủ hiệu quả để giảm giá sản phẩm tiêu dùng. 

Cũng theo ông Trương Tiến Dũng, hầu hết DN đang khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn đang trên đà tăng cao. Chi phí logistics trong nước hay quốc tế đều ở mức cao. Đặc biệt, từ tháng 7/2022, các DN còn phải tăng lương tối thiểu thêm 6%. Hiện giờ, cả người lao động lẫn DN đều gặp khó khăn, và tăng lương là một trong những giải pháp để giữ chân người lao động. Điều này làm tăng đáng kể chi phí hằng tháng của DN. Thị trường tiêu thụ vẫn chưa khởi sắc, sức mua còn giảm khá sâu nên vốn của DN bị chôn trong sản phẩm, đại lý khá nhiều.

Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, sở đã nhận được công văn phản hồi của một số DN nhưng vẫn tiếp tục đề nghị các DN giảm giá. Sau khi nhận được đầy đủ ý kiến, sở sẽ báo cáo UBND TPHCM. 

Còn theo đại diện Sở Công thương TPHCM, sở đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với các DN trong chương trình bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bán. Sở này cũng yêu cầu các DN trong hệ thống phân phối tiếp tục rà soát, áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. 

Cục Quản lý thị trường TPHCM vừa công bố kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Trong đó, cục sẽ tập trung kiểm tra, giám sát nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, thịt heo, thức ăn chăn nuôi, khí đốt, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Cục yêu cầu các đội quản lý thị trường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường của thị trường, đồng thời đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tình trạng khâu trung gian đẩy giá lên cao.

Theo Nguyễn Cẩm – Thanh Hoa/PNO

 

Bình luận (0)