Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giá như các thầy cô giáo chịu khó nhìn lại mình…

Tạp Chí Giáo Dục

(Nhân đọc bài Người thầy không hoàn hảo ,ngày 26-2-2009)
Tôi là  giáo viên trẻ ở một trường trung học phổ thông. Ngoài công việc giảng dạy tôi còn  phụ trách hộp thư phản ảnh ý kiến của học sinh đối với ban giám hiệu  và thầy cô trong trường.

Một tiết học môn sử hào hứng và thoải mái của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG
Qua hộp thư học sinh rất dễ dàng thể hiện “điều em muốn nói” về tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ chuyên môn cho đến hoạt động phong trào, chuyện quan hệ thầy trò…
Dưới góc nhìn của học sinh, thầy cô là những tấm gương để các em soi rọi, có khi thầy cô là thần tượng của các em. Do đó các em đòi hỏi mỗi thầy cô giáo, từ việc nhỏ nhất (như không hút thuốc lá, không xả rác…) cho đến mối quan hệ đồng nghiệp, thầy trò đều phải thể hiện tính mô phạm. Các em phản ảnh nhiều ý kiến có giá trị đối với thầy cô, giúp ban giám hiệu chấn chỉnh kịp thời hoặc đáp ứng nhu cầu của các em để việc dạy và học ở trường đạt chất lượng  tốt hơn.
Hộp thư ghi nhận ý kiến của học sinh có ý nghĩa tích cực như vậy, nhưng có  không ít thầy cô lại tỏ ra khá bực mình trước việc hộp thư tồn tại trong trường. Có lần vào dịp đại hội Đoàn trường, học sinh phản ảnh qua hộp thư rằng: “Nhà trường cấm học sinh hút thuốc, vậy mà dọc theo cầu thang, hành lang, các thầy vứt tàn thuốc bừa bãi, thậm chí có thầy rít thuốc ngay trên bục giảng. Nhà trường cấm học sinh xả rác mà thầy cô vô tư vứt giấy gói bánh mì ở trước phòng giáo viên… Như vậy làm sao làm gương cho học trò?”. 
Có lần một tập thể lớp đã phản ảnh với lãnh đạo nhà trường rằng giáo viên nọ có vấn đề về chuyên môn và kém nhiệt tình trong vài giờ lên lớp. Từ phản ảnh này, hiệu phó chuyên môn đã gặp  giáo viên để tìm hiểu, trao đổi riêng, đồng thời  nhẹ nhàng góp ý để rút kinh nghiệm. Thế là ngay hôm sau lên lớp, giáo viên này hỏi tất cả các lớp mình dạy rằng: “Có phải lớp này phản ảnh với ban giám hiệu không? Học sinh mà dám viết thư phản ảnh giáo viên này nọ, tôi vẫn còn dạy ở lớp này ít nhất hết năm nay đó, liệu mà làm!”.
Chẳng những không nhìn lại bản thân để điều chỉnh cho phù hợp,  giáo viên này đã nói  lời đe dọa, hăm he, có ác cảm với tất cả các lớp mình đã  dạy khiến nhiều học sinh  khủng hoảng tinh thần khi đến môn học của giáo viên này…
Thực tế cho thấy có  không ít thầy cô vào lớp toàn nói chuyện “trên trời” khiến học sinh không biết thầy đang nói gì! Để chứng minh kiến thức của mình là “nhất trên đời”, có giáo viên sẵn sàng chê bai bất kỳ ai, từ nhà khoa học cho đến đồng nghiệp, học trò.
Có thầy cô dạy toán nhưng lên lớp  toàn nói về  văn học, lịch sử, địa lý, triết học, vũ trụ học… trong khi môn toán chẳng mấy học sinh hiểu bài! Hoặc ngược lại, có giáo viên dạy văn học dân gian nhưng lên lớp lại nói toàn chuyện vật lý địa cầu, dịch cúm gia cầm, chiến sự Trung Đông… trong khi  kiến thức môn mình dạy học trò tiếp thu chẳng được bao nhiêu!  Những người này dạy như thế nhưng học  sinh có ý kiến gì là “chết ngay lập tức”!
Nếu như các thầy cô giáo đều  chịu khó nhìn lại mình và lắng nghe những lời góp ý chân thành, thẳng thắn của học trò như thầy Hoàng Đức Huy trong bài viết nói trên, hẳn mỗi thầy cô giáo  không ít thì nhiều đều học được những bài học quý giá từ học trò mình.
NGUYỄN ĐĂNG KHOA (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)