Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giá như thầy cô hiểu học trò hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh đứng nghiêm trang chào cờ trong lễ khai mạc giải bóng đá học sinh THPT TP.HCM lần X-2009. Ảnh: T.Tr

Sau khi đọc tình huống “lá thư không tên”, tôi thực sự mong ước rằng giá như cách đây 13 năm, ngày tôi còn là một học sinh lớp 10 cũng có hộp thư “Điều em muốn nói”.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm lại đông anh em, việc lo cái ăn, cái mặc cho anh em chúng tôi đã hết sức chật vật huống chi là việc học. Ấy vậy mà bố mẹ vẫn cho chị em tôi đến trường với mong muốn cái chữ sẽ làm cho chị em tôi đỡ vất vả hơn. Tôi nhớ rõ lắm, ngày ấy tôi được chọn vào lớp chuyên 10A1 của trường do học lực của tôi cũng khá. Tôi thích học nhất là môn hóa và thầy chủ nhiệm tôi cũng là người dạy tôi môn ấy. Nhưng rồi, học lực của tôi ngày càng tệ, đặc biệt là môn hóa. Các bạn có biết vì sao không? Ngày nào cũng thế mỗi buổi đến trường, tâm hồn tôi nặng trĩu nỗi lo lắng và những hôm có tiết hóa nỗi lo lắng ấy dường như được nhân lên gấp bội. Tôi thấy sợ và quá đỗi hồi hộp. Tôi không phải sợ vì mình không biết làm bài hay chưa làm bài mà sợ vì thầy đòi học phí. Tôi trở nên thụ động và dè dặt, những lời thầy giảng không qua khỏi nỗi ám ảnh rằng câu tiếp theo sẽ là: “Sao em không đóng học phí”. Tôi không giận, không trách thầy vì thầy chỉ làm theo đúng nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm nhưng giá như có hộp thư “Điều em muốn nói” tôi sẽ nói với thầy rằng: “Thầy ơi! Em xin lỗi, em chưa có tiền đóng học phí chứ không phải là em không đóng. Thầy ơi, thầy có biết rằng hằng đêm khi các bạn đang nằm trong chăn ấm thì em 2 giờ sáng đã phải ra đồng nhổ từng cọng rau bán kiếm tiền đóng học phí cho em và cho những đứa em của em” và giá như thầy chủ động gặp riêng tôi để hỏi, giá như thầy có thể chia sẻ với tôi và đừng đòi học phí trước mặt các bạn tôi như thế. Thế mà chỉ một câu nói đơn giản ấy nhưng suốt 3 năm học THPT tôi đã không dám nói với thầy và thầy cũng không cần biết đến lý do đó.
Với tình huống của cô Bích Ngọc, cô là người muốn xây dựng môi trường học thân thiện thì cô phải chủ động nghe và đã nghe thì cô phải chủ động sửa chữa. Đừng để cô và em học trò không tên ấy rơi vào hoàn cảnh của tôi và thầy tôi ngày nào. Theo ý kiến của riêng tôi, việc cô phê bình một học sinh không hát quốc ca là đúng vì đã là học sinh thì phải hát quốc ca và cô có quyền nhắc nhở khi thấy em không hát. Cô Bích Ngọc chỉ sai ở chỗ cô không hát quốc ca cùng học sinh vì cô cũng là một công dân Việt Nam. Cô nhắc nhở em vì cô đâu biết em cắt a-mi-dan và lẽ ra em cần phải nhờ bạn báo với thầy giám thị hoặc cô giáo chủ nhiệm trước buổi lễ nên việc đó cũng có lỗi của em. Vì vậy, theo tôi giờ sinh hoạt chào cờ sau cô Bích Ngọc nên dõng dạc hát quốc ca và yêu cầu toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường cùng hát. Tiếp theo cô sẽ nói lời xin lỗi em học sinh hôm nọ vì cô không biết em cắt a-mi-dan, đồng thời cô cũng nhắc nhở học sinh nếu có chuyện riêng thì cần phải báo trước cho giám thị, giáo viên chủ nhiệm trước giờ chào cờ để chúng ta cùng thực hiện tốt nội quy trường học mà không vướng phải trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. Còn với em học sinh đã gửi cho cô bức thư, cô nên tiếp xúc thân mật và trao đổi trò chuyện với em 3 nội dung:
– Cảm ơn: Cảm ơn em đã thẳng thắn đóng góp cho cô và toàn thể giáo viên nhà trường về việc không hát quốc ca vào giờ chào cờ.
Cảm ơn em đã chỉ ra cái sai của cô khi tham gia giao thông và cảm ơn em đã giúp cô nhìn thầy cô phải làm gương cho toàn thể giáo viên và những học trò thân yêu của mình. Cảm ơn em đã dành tình cảm cho cô.
– Xin lỗi: Xin lỗi về việc làm đáng tiếc của cô khi tham gia lưu thông và lời khiển trách với bạn em vì cô không biết.
– Đề nghị: Cùng trao đổi với nhau qua hộp thư này hay trò chuyện trực tiếp để cô và em cùng toàn thể học sinh ngày càng tiến bộ hơn, thân thiện hơn.
Tôi nghĩ nếu cô Bích Ngọc chủ động như thế và với tình cảm, tấm lòng chân thật của mình thì cuộc trò chuyện ấy sẽ rất thành công. Cô học trò và toàn thể học sinh của trường sẽ trở thành bạn, thành những đứa em… của cô và hơn thế, với chúng tôi cô sẽ là một tấm gương sống động nhất. Sau này, qua cuộc trò chuyện cô cũng nên đem tình huống này kể lại trước hội đồng để mọi người cùng xem đó là một bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp trồng người của chúng ta.
Giờ đây, khi đã là một giáo viên, mỗi khi nghĩ đến thầy, tôi lại thấy mình trống rỗng. Tình cảm thầy trò của 3 năm học, 3 năm của lứa tuổi chuẩn bị vào đời đã bị một cái gì đó ngăn cách để rồi giữa thầy và tôi sao xa lạ và thêm vào đó là một sự tủi hờn.
Còn đối với đơn vị mà tôi đang công tác, một đơn vị trường tiểu học đã thực hiện cuộc phát động xây dựng môi trường học thân thiện từ khi tôi mới về trường. Mỗi lớp học đều có hộp thư chia sẻ để các em gửi gắm tâm tư hay nguyện vọng của mình. Học trò của bậc tiểu học cũng dễ thương lắm, chúng luôn quấn quýt bên cô, trò chuyện và kể cho cô nghe mọi chuyện, đôi khi cả chuyện ba mẹ chúng cãi nhau đêm qua. Mỗi thầy cô của trường cũng thật dễ thương chăm sóc và dạy dỗ cho các em từng chút một. Có lẽ vì thế mà các em dễ dàng tâm sự và môi trường học rất vui, rất thân thiện. Bây giờ bản thân tôi rất hài lòng và yêu mến ngôi trường của mình dù nó chỉ là một ngôi trường nhỏ với cái tên mà nhiều người chưa biết.
Tựa do tòa soạn đặt
Nguyễn Thị Hồng Mai (Trường TH Lê Hoàn – Gò Vấp)

Bình luận (0)