Cởi màu xanh áo lính, ông trở về với màu xanh của ruộng vườn. Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn làm việc không ngơi tay. Nhờ chăm chỉ lao động và biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông đã tạo dựng một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là già Rơ Mah Ơch (72 tuổi, người dân tộc Ja Rai) ở xã Ia Ko, huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai.
Lính già chăm chỉ
Tìm đến nhà già Rơ Mah Ơch vào một ngày cuối tháng 6, dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi vẫn rất khó để gặp được ông. Thời điểm này đã bắt đầu niên vụ hồ tiêu mới nên ông lúc nào cũng tất bật ngoài vườn, hết xuống trụ lại bón phân… Sau nhiều cuộc điện thoại réo rắt, ông mới chịu buông công việc để gặp chúng tôi. Trong ngôi nhà mái Thái khang trang, kiên cố với nhiều vật dụng đắt tiền, già Rơ Mah Ơch vui vẻ kể về những nỗ lực thoát nghèo của gia đình mình. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, với ông là cả một chặng dài đầy mồ hôi và nước mắt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con, ngay từ nhỏ, Rơ Mah Ơch đã biết theo cha mẹ lên nương rẫy trồng khoai. Những năm cuối thập niên 60, bom đạn Mỹ cày xới khiến cho cuộc sống của dân làng ông càng khó khăn hơn. Như bao thanh niên người Ja Rai khác, khi cái đầu vừa cao ngang cây bắp sau vườn, Rơ Mah Ơch tạm biệt gia đình đi làm cách mạng. Ở chiến trường, Rơ Mah Ơch hết làm giao liên, tới cáng thương binh, gùi đạn… Dù công việc vất vả, bom đạn quân thù rình rập, Rơ Mah Ơch vẫn không hề run sợ.
Đất nước được giải phóng, Rơ Mah Ơch trở về quê hương, nhìn bản làng hoang tàn xơ xác, bà con dân làng thiếu cái ăn cái mặc, ông rất đau lòng. Thời gian này, ông nhận công tác ở Trường Quân chính tỉnh Gia Lai. Tuy công việc bận rộn, nhưng có thời gian rảnh ông lại xắn tay áo vào trồng cây mì, cây bắp để cải thiện kinh tế gia đình. Mặc dù không giàu có nhưng trái bắp, củ mì làm ra cũng giúp đàn con của ông tạm qua cơn đói.
Già Rơ Mah Ơch chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Năm 1981, già Rơ Mah Ơch về hưu, ông dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho phát triển kinh tế gia đình. Ngày đó, bà con trong làng chỉ biết trồng cây bắp, cây mì. Dù đất đai màu mỡ, nhưng do không nắm được kỹ thuật nên sản phẩm thu về không được bao nhiêu. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ quanh quẩn, bám riết lấy cuộc sống của dân làng và cả gia đình ông. Nhưng với quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống để tìm hướng thoát nghèo, ông mày mò nghiên cứu qua sách báo và học hỏi người Kinh để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su…
Những ngày đầu, không nắm được kỹ thuật, những cây cà phê, hồ tiêu không sống nổi quá vài mùa trăng. Không nản chí, ông tiếp tục học hỏi… Cứ thế qua nhiều lần rút kinh nghiệm, cuối cùng ông cũng thành công. Những vườn cao su, hồ tiêu, cà phê do ông dày công chăm sóc đã phát triển tốt, xanh mướt cả vùng đồi và bắt đầu cho thu hoạch.
Quả ngọt
Sau nhiều năm cần mẫn lao động, giờ đây già Rơ Mah Ơch đã là chủ nhân của hơn 2.000 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, hơn 4,5ha cao su đã cho thu hoạch vài năm. Ngoài ra, ông còn có hơn 1ha cà phê, 1ha mì, 3 sào lúa, nuôi 5 con bò… Mỗi năm, trừ hết chi phí ông còn dư được hơn 400 triệu đồng.
“Không riêng gì mình mà bà con dân làng mình cũng vậy, từ bao đời nay chỉ biết trồng lúa, trồng mì thôi. Từ khi thấy người Kinh lập nông trường trồng cà phê, rồi đua nhau trồng tiêu, cao su, gia đình mình cũng trồng theo. Không ngờ lại thay đổi được cuộc sống, giờ gia đình mình và nhiều bà con khác trong làng không còn lo thiếu cái ăn nữa”, già Rơ Mah Ơch hồ hởi kể về thành quả lao động.
Không chỉ làm ăn giỏi, già Rơ Mah Ơch còn là một người cha mẫu mực. Của cải làm ra được, một phần ông dùng xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, tái đầu tư vườn cây, số còn lại dành lo cho tương lai con cái. Được sự dạy dỗ của cha, hai người con của ông chăm chỉ học hành và đều thi đậu vào các trường đại học.
Có một cuộc sống gia đình viên mãn với cơ ngơi khiến bao người mơ ước, thế nhưng già Rơ Mah Ơch vẫn còn đau đáu trước cảnh nhiều hộ gia đình trong làng còn cảnh thiếu ăn. Vì vậy, ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn liếng cho nhiều hộ gia đình để giúp họ thoát nghèo, phát triển kinh tế. Gia đình Nay Lunh ở xã Ia Ko là gia đình vươn lên khấm khá nhờ sự giúp đỡ của già Rơ Mah Ơch.
“Rơ Mah Ơch là ân nhân của gia đình mình. Nhờ có già hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách trồng cây tiêu và cà phê, gia đình mình đã khá hơn hẳn, cái nghèo, cái đói không còn nữa”, chị Nay Lunh tâm sự.
Đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, già Rơ Mah Ơch vẫn cần mẫn làm việc và còn hăng hái tham gia phong trào bảo vệ xã, làng. Ông cũng là người tích cực trong phong trào truy quét fulro, vận động các đối tượng tham gia chống phá chính quyền hồi tâm, trở lại sinh sống tại thôn làng.
Ông Nguyễn Ngọc Rân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ia Ko, cho biết: “Ông Rơ Mah Ơch được dân làng nơi đây yêu mến. Bởi ông rất tích cực trong công việc chung của làng, xã và làm kinh tế rất giỏi. Từ một hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bằng bàn tay, khối óc và sự cần cù, ông đã đem lại cho gia đình cuộc sống sung túc hơn”.
ĐỨC TRUNG (SGGP)
Bình luận (0)