Gia sư là công việc làm thêm phổ biến và phù hợp nhất với đa số sinh viên. Trừ một số ít sinh viên kiếm được chỗ dạy nhờ người quen giới thiệu hoặc được nhờ cậy, số còn lại hầu hết là qua trung tâm gia sư.
Mánh “made in sinh viên”
Gia sư là công việc làm thêm phổ biến và phù hợp nhất với đa số sinh viên. Trừ một số ít sinh viên kiếm được chỗ dạy nhờ người quen giới thiệu hoặc được nhờ cậy, số còn lại hầu hết là qua trung tâm gia sư. Tùy từng trung tâm mà những quy định về cước tư vấn sẽ khác nhau. Ví dụ trung tâm gia sư Thời đại có văn phòng 1 ở số 9, ngõ 51-53 đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy quy định: Khi ký hợp đồng, gia sư nộp lệ phí bằng 30 % của một tháng lương và phải xuất trình giấy CMTND. Một số trung tâm yêu cầu sinh đóng 20 — 30.000đ tiền lệ phí ban đầu + 50% tháng lương đầu tiên. Trong khi đó giá một buổi gia sư ở mức bình quân dao động khoảng 50 — 60.000 đồng/buổi. Những sinh viên có thâm niên, có kĩ năng nghiệp vụ có thể nhận mức dạy từ 80 — 100.000đ/ buổi, thậm chí cao hơn sau khi đã được gia đình phụ huynh tín nhiệm. Nhưng số sinh viên được nhận thù lao 80 — 100.000đ/ buổi không nhiều. Chính vì vậy nếu chỉ dạy khoảng 2 buổi/tuần, họ chỉ nhận được khoảng 400 — 500.000 đ/tháng. Nếu tháng đầu tiên phải trả cho trung tâm 50% lương, số tiền mà họ thu được rất thấp.
Từ tâm lý “xót của” đó, một số sinh viên đã nghĩ ra cách nhờ gia đình phụ huynh qua mặt trung tâm. Ngay buổi đầu tiên gặp mặt phụ huynh và học sinh, nếu gia đình phụ huynh đồng ý nhận họ dạy kèm họ sẽ nhờ phía gia đình gọi đến trung tâm thông báo là không tiếp nhận sinh viên. Nhờ vậy sinh viên chỉ mất khoản phí đăng kí ban đầu mà không mất 50% lương tháng đầu tiên.
Những cú ngã đau
Ngỡ tưởng việc qua mặt trung tâm, làm một việc “chẳng chết ai cả” là cách khôn ngoan để sinh viên có thể hưởng trọn vẹn số tiền lương kiếm được. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, không ít sinh viên đã bị rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở.
Phạm Thơ (ĐH Sư Phạm Hà Nội) cũng áp dụng chiêu thức “vận động hành lang” ấy. Thơ dạy Tiếng Việt cho một chị ngoài 30 tuổi. Chị này, trước đây do hoàn cảnh sống nay đây mai đó nên không biết chữ. Do ngại nên lúc đi đăng kí với trung tâm, chị còn ghi là tìm gia sư dạy kèm cho con trai đang học cấp 1. Sau một tháng trời dồn tâm trí dạy chị biết đọc, biết viết ở mức sơ đẳng, Thơ không thấy chị ta trả tiền. Khi đề cập đến vấn đề này thì chị lấy lí do sợ trả từng tháng một, nếu Thơ chán không muốn dạy nữa chị ý rất khó tìm người thay thế. Và nếu Thơ đồng ý dạy thêm vài tháng nữa, đến cuối khóa chị ý sẽ trả tiền cả thể. Rơi vào thế bí, nếu dạy tiếp mà cuối cùng người ta vẫn không trả tiền thì còn mất công mất sức hơn, trong khi đó hợp đồng với trung tâm thì chính Thơ đã cắt rồi. Cuối cùng cô bạn đành ngậm ngùi bỏ chỗ làm đó và mất toi một tháng vô ích.
Không đến nỗi mất trắng như Thơ, nhưng Hương Quỳnh (cựu SV ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia HN) cũng từng khó khăn lắm mới lấy được tiền lương từ nhà phụ huynh mình dạy kèm sau khi đã nhờ gia đình họ cắt hợp đồng ở trung tâm.
Chuyện là, sau một thời gian dạy kèm học sinh tại ngõ 175, đường Xuân Thủy, Hà Nội, Quỳnh mới biết nhà này kinh tế không có, nợ nần chồng chất, vợ chồng ham mê số đề nhưng cũng bày đặt thuê gia sư cho con để nó được “bằng bạn bằng bè”. Thế nên, những buổi cô giáo đến dạy thì gia đình ngọt nhạt lắm, nhưng đến cuối tháng cô giáo đến lấy tiền công thì bố mẹ em này cứ như thế “có cánh mà bay”. Cũng còn may là Quỳnh kiên gan, đánh bài “lì”, đợi đến lúc bố mẹ em kia về, trả tiền mới đi. Anh trai Quỳnh cũng phụ đạo cho học sinh đó, đến lúc không thanh toán được phụ huynh nảy ra “sáng kiến”: “Trừ dần bằng tiền cho thuê phòng”. Thế là anh em Quỳnh từ khu trọ khác chuyển về khu trọ của nhà học sinh “ở trừ nợ”.
Sau cú ngã đau ấy, Thơ và Quỳnh ngẫm ra: số tiền mình tính toán để bớt được chẳng đáng là bao so với những gì phải gánh chịu. Đó là thời gian và công sức mất trắng.
Kết
Thay bằng việc nghĩ cách “lách luật” đầy bấp bênh để thu chút lãi nhỏ, sinh viên nên chọn cho mình những trung tâm uy tín, có mức lệ phí phù hợp để có thể nhận những vị trí gia sư phù hợp. Thậm chí, nếu chịu khó để ý, bạn sẽ thấy hiện nay rất nhiều trường ĐH, Cao đẳng có các câu lạc bộ hướng nghiệp cho Sinh viên. Ở đó, mức độ tin cậy cao. Điều quan trọng hơn là bạn hoàn toàn có thể được tư vấn tìm chỗ không tốn thù lao trung gian, nhiều CLB còn tổ chức các khóa đạo tạo cấp tốc nâng cao nghiệp vụ cho hội viên.
Ví dụ như Trung tâm gia sư của Đoàn TNCS HCM – ĐH Sư phạm HN, ở đây sinh viên không phải trả khoản lệ phí lớn cho việc nhận địa chỉ đi dạy, trung tâm sẽ có những chính sách cụ thể để giới thiệu việc làm với mức lệ phí phù hợp và miễn phí cho những trường hợp đặc biệt. Theo quy chế hoạt động mà GĐ Trung tâm (Nguyễn Bá Cường) đã thông qua thì: “Với sinh viên theo từng trường hợp cụ thể sẽ thu từ 10 % đến tối đa là 20%, sẽ miễn giảm với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích học tập tốt, có xác nhận của Ban Chủ nhiệm Khoa.”
Theo MTO
Bình luận (0)