Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Gia tài” của cô giáo Nguyệt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo Nguyễn Thị Nguyệt bên bộ sưu tập ảnh Bác Hồ

Suốt cuộc đời mình, tôi đã từng được ngắm nhìn rất nhiều chân dung của Hồ Chủ tịch trên báo hay trong nhà bảo tàng. Thế nhưng khi đến nhà cô, được tận mắt nhìn thấy hàng ngàn tấm ảnh về Bác tôi mới thật sự ngỡ ngàng trước một công trình sưu tập hiếm có về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh qua ảnh của cô Nguyễn Thị Nguyệt – một nhà giáo đã ở tuổi 72.
Từ một lần gặp Bác
Ngôi nhà của vợ chồng cô nằm trong con hẻm 71 trên đường Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP.HCM. Cô ra đón tôi bằng một nụ cười thật tươi và lời chào niềm nở. Cô có khuôn mặt đẹp và một vóc dáng nhanh nhẹn, nếu gặp ngoài đường ít ai nghĩ đây là một phụ nữ đã ngoài tuổi 70. Ấn tượng thứ hai của tôi là nhà cô có rất nhiều sách báo, ngay ở phòng khách đã có mấy kệ nhỏ, khách nhìn vào giống như một thư viện mi-ni. Câu chuyện đầu tiên cô kể cho tôi không phải là công việc sưu tầm ảnh Bác trong 30 năm qua mà là những ký ức của thời gian theo học Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng và cũng chính trong khoảng thời gian đó cô đã may mắn gặp được Bác Hồ. “Ngày hôm đó vào năm 1959, sau khi nhà trường tập trung học sinh xong chúng tôi mới biết có Bác Hồ đến thăm. Ai cũng hân hoan chờ đợi giây phút hạnh phúc nhất trong đời mình. Là thành viên của đội Sao Đỏ nên tôi được vinh dự ra cổng đón Bác cùng với nhiều cán bộ, thầy cô trong trường. Trong buổi nói chuyện, Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập và sinh sống của tất cả học sinh phải xa gia đình ra Bắc học tập. Bác động viên chúng tôi học thật giỏi, thật chuyên cần. Những tiếng vỗ tay vang dội sau mỗi lần Bác nói làm cho không khí cả sân trường càng náo nức thêm” – cô Nguyệt nhớ lại. Đưa cho tôi xem tấm hình Bác về thăm trường năm đó, cô Nguyệt tâm sự: “Có lẽ chính từ buổi gặp gỡ hôm đó mà niềm cảm kích và yêu kính vị lãnh tụ cứ lớn dậy trong tôi. Tình cảm của tôi đối với Bác không còn xa xăm, mờ nhạt như trước mà là một thứ tình cảm thiêng liêng và rất sâu đậm”. Nghe cô kể đến đó, tôi vội hỏi tiếp: “Vậy có phải vì tình cảm sâu nặng đó mà hơn 15 năm sau khi nước nhà thống nhất cô đã bắt tay vào công việc sưu tập ảnh Bác?”. Cô cười tươi và im lặng một lúc: “Đúng như vậy nhưng không chỉ có chuyện đó”. Thế là bên ly trà, tôi lại được nghe tiếp những câu chuyện về tình cảm của một nhà giáo đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước. Đó là những tháng ngày cô rời Trường Học sinh miền Nam sang Bắc Ninh theo học Trường Thể dục thể thao Từ Sơn và sau này trở thành giáo viên dạy thể dục và đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh trở thành nhân tài cho đất nước. Niềm cảm kích lớn nhất của cô khi gắn bó với ngành giáo dục là sự quan tâm của Người đối với phong trào thể dục và đặc biệt là nhiệm vụ cải tạo nòi giống cho thế hệ trẻ. “Sau khi Việt Nam giành được độc lập biết bao công việc bộn bề thế mà Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 14 đề ra 3 nhiệm vụ cho Nha Thể dục của Bộ Thanh niên trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao tại các địa phương để tìm mọi cách cải tạo nòi giống”. Theo cô từ những việc làm đó Bác không chỉ là người biết lo việc đại sự của dân tộc, lo cuộc sống hiện tại cho nhân dân mà còn lo cả tương lai mai sau cho đất nước. Bác là một vĩ nhân nhưng cũng là một con người bình dị, gần gũi và rất thân thuộc trong cuộc đời. Nhân dân yêu quý và tôn thờ Người cũng vì lẽ đó.
Đến những bộ sưu tập
Bộ ảnh đầu tiên mà cô Nguyệt giới thiệu cho tôi là những cuốn album lớn bằng khổ giấy A4. Những tấm ảnh đẹp nhất, rõ nhất về Bác đã được cô trân trọng đưa vào đây làm gam màu chủ đạo cho bộ sưu tập. Lật ra từng trang tôi được gặp lại khuôn mặt Bác với những giai đoạn lịch sử từ ngày Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến ngày đi xa. Lâu lâu tôi phải dừng tay lật vì có tấm ảnh lần đầu tiên tôi mới được diện kiến. Tôi nhìn và ngắm thật lâu rồi đọc chú thích như để đưa tất cả vào “bộ nhớ” của mình. Không biết bao nhiêu lần tôi nhìn thấy Bác qua ảnh. Vẫn ánh mắt đó, chòm râu đó, nụ cười đây nhưng hôm nay tôi thấy trong tim mình dâng lên một cảm xúc mới lạ rất thiêng liêng. Trong mỗi bức ảnh tôi bắt gặp đôi tay cần mẫn của cô nâng niu từng cuốn sách, tờ báo để làm giàu thêm tư liệu, thấy hiện lên bóng dáng mảnh mai của cô trong những ngày đạp xe đến tận hang cùng ngõ hẻm tìm mua những cuốn sách danh nhân, lịch sử mà quên cả nắng mưa, chiều tối. Lại hiện lên trong tôi những đêm cô ngồi viết thêm một vài mẩu chuyện về Bác để ngày mai kịp xuống các trường học, đến từng khu phố kể tiếp cho mọi người nghe. Tôi ngước lên nhìn khuôn mặt phúc hậu của cô như gửi thầm lời cảm ơn của một người đang may mắn hưởng thụ chút gia tài vô cùng quý giá về tinh thần mà không phải ai cũng có được.
Chờ cho tôi thưởng lãm xong bộ sưu tập đầu tiên, cô Nguyệt lại đưa tôi vào một “góc triển lãm” khác. Bộ sưu tập thứ hai không xếp theo mốc thời gian mà được “đi” theo từng chủ đề. Khoảng hơn 20 tấm ảnh được chủ nhân dán ngay ngắn vào từng tờ giấy bằng tấm bản đồ cỡ lớn. Cô Nguyệt cho biết, các chủ đề được chia theo từng nhóm như: Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên… rất phù hợp với những buổi nói chuyện về Bác cho từng đối tượng. Cũng tại “góc triển lãm” này cô còn giới thiệu cho tôi biết một bộ sưu tập khác ngoài tư liệu Bác Hồ là bộ sách, ảnh về các liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Một Võ Thị Sáu kiên trinh bất khuất, một Mạc Thị Bưởi gan dạ mưu trí bên cạnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo… Những tư liệu này đã giúp cô có thêm câu chuyện kể về lịch sử, về những giai đoạn cách mạng liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.
 Mỗi khi thấy tôi dừng trước những bức ảnh đẹp, cô Nguyệt lại kể cho tôi nghe hoàn cảnh ra đời của nó và những câu chuyện “bếp núc” trong quá trình sưu tầm. Có tấm ảnh cô được các vị lãnh đạo cao cấp tặng, có tấm bạn bè đồng nghiệp gửi đến nhưng có tấm cô phải cất công đi tìm mấy tháng trời mới sở hữu được. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tấm ảnh Bác chụp với Hoàng thân Xu-pha-nu-vông in trong một cuốn sách nhưng giá hơi cao và lúc đó cô không đủ tiền để mua. Thấy được điều băn khoăn của cô, một thanh niên chưa hề quen biết trong nhà sách đã bỏ tiền mua tặng cô. Thế nhưng không bao giờ cô trả lời khi có người hỏi về tiền bạc và công sức tập trung cho niềm đam mê gần 30 năm nay của mình. Cô coi đó là tình cảm của một người con miền Nam đối với Bác Hồ, trách nhiệm của một nhà giáo dục đối với thế hệ trẻ nhưng trên hết là sự đền ơn đáp nghĩa của một công dân Việt Nam đối với công lao trời biển của Hồ Chủ tịch mà không có gì so sánh được.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)