Thầy Nguyễn Văn Liêm (bên trái) |
Để có một bộ sưu tập phần mềm trình chiếu phục vụ cho một bài giảng quả là công việc không phải dễ đối với tất cả giáo viên bộ môn hiện nay. Tại Hội nghị chuyên đề Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, nhiều đồng nghiệp đã thật sự bất ngờ trước “gia tài” riêng của thầy Nguyễn Văn Liêm – giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu. Đó là bộ sưu tập tư liệu môn giáo dục công dân (GDCD) cho bậc THPT.
Tài sản đáng quý
Bộ sưu tập thầy Liêm giới thiệu đầu tiên với mọi người là những tư liệu phục vụ cho chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 10. Bám sát sách giáo khoa (SGK), nội dung bài học Vật chất khách quan tồn tại có các phần như Giới tự nhiên tồn tại khách quan, Con người là sản phẩm của tự nhiên, Sự tiến hóa từ vượn thành người… Tuy nhiên nếu trong SGK chỉ là những con chữ “đứng yên một chỗ” thì ở đây thầy Liêm đã thiết kế thành những hình ảnh sinh động và kèm những âm thanh.
Không còn là những khái niệm “mưa, gió, sấm, chớp” bằng ký tự trong mục Giới thiệu tự nhiên tồn tại khách quan của bài Vật chất khách quan tồn tại mà trên màn hình là những cảnh động của các hiện tượng thiên nhiên và những âm thanh đặc trưng của thời tiết đã đưa các em về với tự nhiên. Ấn tượng nhất là những đoạn phim phản ánh các hiện tượng lũ lụt, sóng thần, hạn hán… gây thiệt hại to lớn về người và của trong thời gian qua. Hậu quả của việc làm trái quy luật thiên nhiên chính là bài học mà các em rút ra được ngay từ những hình ảnh được trình chiếu trên màn hình. Để minh họa rõ bài học “Cách thức vận động và phát triển của sinh vật”, thầy Liêm đã đưa một đoạn phim về quá trình nảy mầm của hạt đậu và những thời điểm quả trứng gà từ từ nở thành gà con. Tuy là những hình ảnh không mới nhưng tác giả biết đưa vào đúng chỗ vì vậy mà sức thuyết phục lớn hơn.
Ngoài ra nhiều đoạn phim tuy đơn giản nhưng có sức thuyết phục như gương mặt một người nông dân xây cầu ở vùng nông thôn An Giang, đoàn cán bộ, học sinh tình nguyện trong chương trình hiến máu nhân đạo… trong tiết học Những tấm gương đạo đức. Tất cả hình ảnh người thật việc thật đó nhẹ nhàng đi vào lòng các em hơn bất kỳ một lời rao giảng luân lý nào.
Trong khi đó, những tư liệu phục vụ cho chương trình GDCD lớp 11 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế như Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, Cơ cấu thành phần kinh kế, Chính sách quốc phòng và an ninh… Ngoài hình ảnh về các đơn vị kinh tế, thầy Liêm còn biết tận dụng những thước phim quảng cáo từ truyền hình để minh họa tính cạnh tranh lành mạnh trong thương trường. Tâm sự của một con gà là câu chuyện hiện đại nhưng lại thấp thoáng dáng vẻ của một câu chuyện cổ tích về lưu thông hàng hóa tạo nên một điểm nhấn “lạ mà hay” cho bài học. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, Công dân với quyền tự do cơ bản, Pháp luật và hòa bình… là một số tiết dạy mà thầy Nguyễn Văn Liêm đầu tư nhiều công sức, cho việc sưu tầm tư liệu. Ngoài những hình ảnh xen vào để minh họa như chương trình của 2 lớp dưới, giáo viên còn đưa vào một số câu hỏi trắc nghiệm trong Bài tập tình huống giúp học sinh có cơ hội thực hành ngay tại lớp.
Như một niềm say mê
Từ nhiều năm nay môn GDCD vẫn được xem là môn phụ, một số học sinh thích thì học không thích thì thôi. Phân phối chương trình của Bộ mỗi tuần chỉ có 1 tiết và quan trọng là môn GDCD không phải là môn thi tốt nghiệp như văn, toán, lý, hóa… nên càng tạo tâm lý lơ là cho học sinh. Đây chính là rào cản vô hình gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giờ học của môn này. “Nhưng nếu giáo viên chán nản, giờ học không lôi cuốn học sinh thì chắc chắn tình hình sẽ còn tệ hơn”, thầy Nguyễn Văn Liêm nói. Nghĩ vậy nên trong một thời gian dài, thầy đi tìm ý tưởng để làm sao có những giờ dạy đem lại hiệu quả cho học sinh và đặc biệt tạo được sự hứng thú, say mê cho học sinh. Trước đây nhiều giáo viên đã biết dùng phương pháp thuyết minh, vận dụng thực tiễn sinh động đưa vào bài giảng để làm sáng tỏ hơn những phạm trù trừu tượng, các kiến thức mang tính lý luận. Thế nhưng, theo thầy Liêm như thế vẫn chưa đủ nhất là khi môn học đang đòi hỏi những yêu cầu mới về phương pháp dạy học và vai trò không thể phủ nhận được của công nghệ thông tin đối với ngành học. Từ ý tưởng đó thầy Liêm đã âm thầm bắt tay vào công việc của mình và chỉ sau một thời gian không lâu những sản phẩm đầu tiên được ra lò.
Thao tác đơn giản mà thầy Liêm thực hiện đầu tiên là dowdload trên mạng từ Google, từ các hình ảnh mà học sinh cung cấp rồi sau đó scan lại. Một trợ thủ đắc lực khác đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho thầy là chiếc ti-vi 21 inches. Những thước phim quý giá về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và giai đoạn chống Mỹ… minh họa cho bài Lòng yêu nước đều được thầy lưu lại cẩn thận từ chương trình thời sự hằng đêm. Có một điều rất lý thú là các tư liệu phục vụ cho môn GDCD không chỉ liên quan đến bộ môn khoa học xã hội mà còn liên quan đến cả bộ môn khoa học tự nhiên như lý, hóa, sinh vốn không ăn nhập gì với môn GDCD. Tất cả hình ảnh minh họa cho bài Sự tiến hóa từ vượn thành người lấy tư liệu từ môn sinh học thì tư liệu của bài Cách thức vận động và phát triển lại phải “nhờ cậy” Bảng tuần hoàn của các nguyên tố hóa học, khái niệm chất và lượng từ môn hóa…
Phan Ngọc Quang
Sở hữu trong tay hàng trăm tư liệu của hàng chục bài giảng phục vụ – có thể nói – thầy Nguyễn Văn Liêm đang trở thành một trong những người “giàu có tư liệu nhất” của môn học GDCD. Qua tâm sự với chúng tôi, thầy vẫn tiếp tục đeo đuổi công việc của mình trong thời gian tới và hy vọng sẽ có nhiều tư liệu của các đồng nghiệp ra mắt và bổ sung thêm. Chỉ những ai tâm huyết với nghề và luôn trăn trở với việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học thì mới có được niềm say mê lớn lao đó. |
Bình luận (0)