Y tế - Văn hóaThư giãn

“Gia tài của tôi” – cho những năm tháng mãi xanh

Tạp Chí Giáo Dục

“Gia tài của tôi” là một câu chuyện dài, được tác giả Lê Quang Đồng kể lại từ thuở ấu thơ đến ngày đi theo kháng chiến và liên miên những cuộc hành quân, những công tác được triển khai, như những mắt xích quan trọng của cuộc kháng chiến.

Tác giả Lê Quang Đồng sinh năm 1928 tại Hóc Đùng (Đạo Thạnh – Mỹ Tho, Tiền Giang). Từ nhỏ, ông học trường làng, rồi ra trường tỉnh, lấy học bổng trường Tây. Cũng như bao người học trò khác, Lê Quang Đồng là người học trò yêu quê hương và chăm chỉ sách đèn. Khi đất nước lâm nguy, ông sẵn sàng xông pha khắp nơi để được sống trung thành với lý tưởng cách mạng.

Tác phẩm là những khoảnh khắc trong hồi ức được ông chắt lọc thành những trang viết chất chứa trầm tích thời gian. Trong cuốn sách này, tác giả không có tham vọng trở thành người viết sử hay viết những trang truyền thống cách mạng. Ông viết như cách kể chuyện “đời xưa” cho con cháu của ông nghe. Thế nên, cái cách xưng Ba ở ngôi thứ nhất cũng rất đặc biệt, gần gũi vô cùng.

Những trang viết của tác giả Lê Quang Đồng như nối dài quá khứ với hiện tại. Chúng ta bắt gặp chân dung một người Việt yêu nước, bền chí trải qua những thử thách ghê gớm của cuộc chiến. Đọng lại sau tất cả vẫn là sự vươn lên để giữ vững phẩm giá của mình, của người lính để góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Những năm tháng chiến đấu phải sống xa vợ con, phút yếu đuối nhất khi vừa đọc cuốn sách viết về chuyện Nguyễn Văn Trỗi gặp chị Quyên với tựa đề “Những lần gặp gỡ cuối cùng” càng làm hình ảnh người lính trong ông hiện lên chân thật, đẹp đẽ vô cùng chứ không hề bi lụy.

Tác giả Lê Quang Đồng vốn là một người yêu quê hương chân thật, yêu những bài sử Việt hào hùng qua tủ sách của cha mình. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã thấy được nỗi đau của một đất nước nô lệ. 17 tuổi, chàng trai trẻ Lê Quang Đồng theo tiếng gọi cách mạng, thoát ly gia đình, bước chân vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng gian khổ, ác liệt. Thế nên, một điểm tràn trề khác trong “Gia tài của tôi” là tình yêu nồng nàn với quê hương đất nước, với mảnh đất miền Tây thân thuộc đã sinh ra và nuôi lớn tác giả. Giữa cuộc sống bộn bề, giữa năm tháng dài đằng đẵng nhưng tình yêu ấy chưa khi nào vơi bớt, thậm chí lại càng đong đầy hơn trong ông.

Với độ lùi thời gian, khi viết “Gia tài của tôi”, tư duy logic của tác giả đã biết vượt qua cả một “ma trận” để mang đến cho bạn đọc những hồi ức tinh lọc nhất. Trải qua bao năm tháng từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, đôi chân ông băng qua khắp những con đường, nhiều sự kiện có thể lẫn lộn, nhưng con người và những tình cảm là thật. Tất cả đã được kể lại đong đầy cảm xúc, chân thành. Dường như đó cũng là mong muốn mãnh liệt của ông Lê Quang Đồng. Xuyên suốt chiều dài hơn 450 trang sách, độc giả tìm thấy tư duy của một người lính có bản lĩnh, không bị cái gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến ngày hôm qua và những xáo trộn của đời sống hôm nay, làm chai sạn tâm hồn và tình cảm của mình.

Thục Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)