Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại khi những ngày qua số ca mắc trên cả nước liên tục tăng. Hôm qua, số mắc mới trong ngày vượt quá 10.000 ca bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc.
Bệnh nhân nặng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thái Hà
Bệnh nhân nặng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thái Hà

Nhiều bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin

Tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư các buồng bệnh kín người nằm. 27 bệnh nhân nặng phải thở máy, 2 bệnh nhân khác cần đến hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Đặc biệt có 4 bệnh nhân rất nặng dù đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Các bác sĩ liên tục thăm khám, theo dõi chuyển biến của các bệnh nhân, chỉ một dấu hiệu thay đổi nhỏ cũng có thể khiến tình trạng bệnh nặng lên, nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các ca bệnh đều là những người trên 70 tuổi, một số trường hợp đã 80 tuổi.

ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, khoảng 10 ngày nay, bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có xu hướng tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có 5-6 ca nhập viện. Các bệnh nhân đều được y tế tuyến tỉnh chuyển tới trong tình trạng suy hô hấp, một số trường hợp phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy ngay khi vào viện. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường,…

Ngoài 4 bệnh nhân nặng đã tiêm 1 mũi vắc xin những trường hợp còn lại đều chưa tiêm vắc xin. Đáng chú ý có 2 bệnh nhân là phụ nữ mang thai, chưa tiêm vắc xin. Những trường hợp bệnh nhân thở máy đều trên 70 tuổi nên tiên lượng rất nặng.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư lưu ý, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng nhưng vắc xin chỉ bắt đầu có hiệu quả, giúp sản sinh miễn dịch ở ít nhất 2 tuần sau tiêm. Do vậy, người dân không nên chủ quan mà lơ là các khuyến cáo phòng dịch của ngành y tế.

“Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng còn phải xác định phụ thuộc miễn dịch của cơ thể. Không phải người nào tiêm 1 mũi vắc xin cũng sinh đủ kháng thể, cũng có những trường hợp tiêm 2 mũi nhưng do cơ địa sinh miễn dịch kém vẫn có nguy cơ bị mắc và mắc nặng.

Tuy nhiên, tỉ lệ nặng sau tiêm 2 mũi vắc xin rất ít. Đa phần những người tiêm 2 mũi mắc nặng có cơ địa suy giảm miễn dịch, bệnh nền hoặc cao tuổi. Những bệnh nhân đang điều trị phần lớn chưa được tiêm vắc xin, họ đến từ những tỉnh, thành phía Bắc, có nhiều địa phương chưa đủ vắc xin bao phủ mũi 1”, bác sĩ Phúc phân tích.

Tiêm vắc xin, nếu chủ quan vẫn bị bệnh nặng

“Đợt dịch này chúng tôi lo ngại tình trạng tiêm vắc xin chưa bao phủ nhóm đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Chưa kể việc tiêm vắc xin cần thời gian sinh miễn dịch nên những người đã tiêm rồi mà chủ quan không thực hiện nghiêm quy định 5K có thể bị mắc và mắc nặng nếu thời gian tiêm vắc xin chưa đủ để cơ thể sinh miễn dịch bảo vệ”, bác sĩ Phúc nói.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện điều trị cho 60 bệnh nhân nặng, trong đó có 35 ca thở máy. Gần 400 bệnh nhân còn lại được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Những người có suy hô hấp nhẹ mới phải dùng thuốc. Trong những ngày vừa qua, bệnh nhân nhập viện đa phần cao tuổi, bệnh nền nhiều và chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết, hầu hết mọi người nghĩ virus SARS-CoV-2 tấn công phổi, gây tổn thương phổi.

Tuy nhiên thực tế, virus còn tấn công hàng loạt cơ quan trong cơ thể. SARS-CoV-2 chui qua tế bào niêm mạc hô hấp, thông qua đó chuyển thông tin để chỉ huy các tế bào, tổng hợp thành phần và tái tạo ra nhiều virus mới, từ đó phá hủy tế bào cũ rồi theo đường máu đi khắp nơi. Do đó, COVID-19 không chỉ gây bệnh ở phổi mà gây bệnh toàn thân.

"Người ta phát hiện ra rằng ở phổi bệnh nhân COVID-19 có rất nhiều nơi bị tắc, không chỉ ở động mạch, mao mạch phế nang mà cả tĩnh mạch phổi. Cục máu đông của tĩnh mạch phổi sẽ theo dòng máu đi về tâm nhĩ trái, gây tắc mạch toàn thân. Điều đó giải thích vì sao COVID-19 gây huyết khối tắc mạch và đi khắp nơi từ não đến chân", GS Bình phân tích.

Chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực nhấn mạnh, về mặt khoa học tất cả các vắc xin đều có một tỉ lệ bảo vệ nhất định và tỉ lệ này không bao giờ đạt 100%. Tỉ lệ bảo vệ của tất cả các vắc xin hiệu quả hiện nay được Bộ Y tế công nhận dao động từ 70 – 80%.

Như vậy vẫn có 20% sau khi tiêm vắc xin COVID-19 xong vẫn bị nhiễm, riêng Delta có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch nên vắc xin, hệ thống kháng thể của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được. Đó là lí do vì sao hiện Delta là chủng làm cho rất nhiều người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn bị nhiễm bệnh.

Khi nhiễm bệnh, 90% người đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được bảo vệ, nhiễm bệnh nhẹ, không cần thở ô xy. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ 10% bệnh nặng và tử vong. Có nhiều lý do, trong đó không phải trường hợp nào kháng thể cũng có thể bảo vệ được cơ thể trước tác động của virus, với người lớn tuổi tỉ lệ bảo vệ có thể thấp hơn, khoảng 80 – 85%.

Theo Thái Hà/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)