Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Gia tăng bệnh nhân thủy đậu thể nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch thủy đậu gia tăng rõ rệt. Đáng nói, tình trạng bệnh nhân chuyển sang thể nặng nhiều hơn bởi đa phần người dân áp dụng phương pháp điều trị dân gian trong khi con của họ đã chuyển bệnh sang tình trạng nặng, bội nhiễm da rất nguy hiểm.

Bệnh nhân thủy đậu tăng thể nặng
Chị Trần Thị Cẩm Vân, trú phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bồng cậu con trai 10 tháng tuổi, bị bội nhiễm da do khi mắc thủy đậu, chị đã điều trị cho cháu theo cách mua chè xanh nấu nước tắm và bôi thuốc tím. “Cháu đầu 28 tháng tuổi của tôi cũng vừa mắc bệnh, vừa điều trị khỏi thì đến cháu này. Do cháu đầu khi khám bác sĩ tư, bác sĩ tư vấn là tắm lá và bôi thuốc tím cho cháu, thì thấy cháu đầu khỏi, nên khi cháu nhỏ mắc, tôi cũng nghĩ mình cứ áp dụng tương tự, ai dè thấy cháu chuyển nặng hơn. Khi mang cháu đến Bệnh viện da liễu Đà Nẵng thì các bác sĩ cho biết cháu đã chuyển sang thể nặng, tôi rất lo lắng. Biết vậy đã mang cháu đến bệnh viện sớm hơn”, chị Vân lo lắng.

Không chỉ các em nhỏ, số người mắc bệnh thủy đậu là người lớn đang điều trị tại Bệnh viện da liễu Đà Nẵng cũng rất đông. Đa phần đều có tâm lý chủ quan người lớn không mắc bệnh thủy đậu, và khi mắc bệnh thì nghĩ rằng chỉ là bệnh nhẹ, đến khi chuyển nặng, nhiễm trùng da mới đến bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Tại Bệnh viện da liễu Đà Nẵng cũng đang điều trị 3 thai phụ có thai từ 7 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi. Việc điều trị cho những bệnh nhân là thai phụ, theo các bác sĩ là vô cùng khó khăn.

Theo thống kê từ Bệnh viện da liễu Đà Nẵng, vào tháng 1 và tháng 2, số bệnh nhân mắc thủy đậu điều trị ngoại trú là 305 người, điều trị nội trú là 149; từ đầu tháng 3 cho đến nay, lượt bệnh nhân thủy đậu điều trị nội trú, ngoại trú vẫn không ngừng gia tăng.

Đừng lạm dụng những phương pháp dân gian

Bác sĩ Phạm Thị Kim Oanh, làm việc tại khoa Da, Bệnh viện da Liễu Đà Nẵng, cho biết tình hình bệnh nhân đến khám và phát hiện bị thủy đậu hiện rất nhiều, và hầu hết số lượng bệnh đều chuyển sang nặng. “Các bà mẹ chăm sóc con bị thủy đậu không đúng cách. Trong khi nếu phát hiện điều trị sớm, người bệnh sẽ khỏi rất nhanh và hầu như không bị di chứng.

Cháu bé 10 tháng tuổi bị bội nhiễm da do khi mắc bệnh, mẹ cháu cho tắm nước lá và ở nhà tự điều trị

Thế nhưng, đa phần khi trẻ phát bệnh, các bà mẹ đều dùng những phương pháp dân gian là dùng các loại nước nấu từ lá chè, khổ qua… để tắm cho trẻ, đến khi trẻ đến bệnh viện thì đã bị bội nhiễm toàn thân, nhiễm trùng da rất nặng.

Thêm nữa, mọi người đều có quan niệm là khi cháu càng nổi nhiều đốt nghĩa là đã xuất ra hết và đã gần khỏi bệnh, nhưng trên thực tế đối với bệnh thủy đậu, càng nổi nhiều bên ngoài và sốt cao nghĩa là bệnh đang chuyển nặng, phải cấp cứu kịp thời và điều trị đúng cách.

Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân là người lớn mắc thủy đậu, thì sẽ mắc bệnh nặng hơn trẻ em do trẻ em còn có sức đề kháng cao đối với bệnh thủy đậu.

Cũng theo bác sĩ Kim Oanh, để ngăn chặn tình trạng mắc thủy đậu, mọi người cần tiêm vắc xin ngừa thủy đậu đúng liều lượng; tránh cho trẻ tiếp xúc với những bệnh nhân thủy đậu; môi trường sống cũng luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; và khi mắc bệnh không nên uống những loại thuốc thảo dược mà nên đến các cơ sở y tế để có những biện pháp điều trị đúng cách.

Bài, ảnh: Diệu Hiền 

(TNO)

Bình luận (0)