Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gia tăng mua điện từ Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều dự án điện chậm tiến độ khiến VN sẽ gia tăng mua điện từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt trong nước.
VN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc nhiều năm qua và sẽ tăng mua từ 2021 /// Ảnh: NgọcThắng
VN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc nhiều năm qua và sẽ tăng mua từ 2021. Ảnh: NgọcThắng
Do nhiều dự án chậm tiến độ
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm (phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm. Tuy nhiên, ước tính có tới 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ với tổng công suất lên đến 60.000 MW dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây. Trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương đã đề cập đến giải pháp tăng cường nhập khẩu điện, nhất là từ Trung Quốc trong thời gian tới. Đến nay, EVN đã đàm phán với Công ty lưới điện phương Nam Trung Quốc về các giải pháp liên kết để tăng cường nhập khẩu điện. EVN sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tăng nhập khẩu điện lên 3,6 tỉ kWh/năm từ 2021 với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay. Riêng với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.
Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), VN đã mua điện từ Trung Quốc rất lâu và sau này mua thêm từ Lào chủ yếu phục vụ cho các vùng biên giới giáp biên hai nước. Lý do là chuyển điện từ đất liền ra vùng biên giới tổn thất trên lưới điện khá lớn, không hiệu quả bằng mua ngay bên cạnh. Vì thế Quy hoạch điện VII điều chỉnh, kế hoạch nhập khẩu điện tổng cộng có thể tăng lên mức 5 tỉ kWh/năm. Tỷ lệ này vẫn nhỏ so với tổng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của cả nước lên hơn 200 tỉ kWh/năm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng về dài hạn, nếu như tỷ lệ điện nhập khẩu tăng dần thì phải tính toán quy hoạch lại các nguồn cung trong nước để không phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Cho rằng tỷ lệ mua điện từ Trung Quốc hiện nay thấp là so với tổng sản lượng và tiêu thụ của cả nước, nhưng chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh so sánh, nếu chỉ so với các vùng biên giới phía bắc thì đây là tỷ lệ cao. Điều này không nên kéo dài mà phải tính toán để chủ động hơn. Vì nếu nguồn cung bên ngoài vì lý do nào đó bị dừng đột ngột sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Hơn nữa đây cũng là sản phẩm đặc biệt trong phát triển an ninh quốc phòng nên nếu xảy ra sự cố gì đều gây mất an toàn lớn. Do đó chỉ nên xem là giải pháp ngắn hạn.
Xây dựng chiến lược sử dụng điện hiệu quả
Cùng với sự phát triển kinh tế thì nhu cầu về điện của VN sẽ ngày càng gia tăng. Bên cạnh tăng nguồn cung về năng lượng bền vững thì nhiều chuyên gia cũng cho rằng giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm cũng không thể lơ là.
Theo tính toán, ở VN, kinh tế tăng trưởng 1% thì ngành điện phải tăng trưởng ít nhất 1,5% mới đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi tỷ lệ này ở thế giới là 1:1.

Về dài hạn, nếu như tỷ lệ điện nhập khẩu tăng dần thì phải tính toán quy hoạch lại các nguồn cung trong nước để không phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương)

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nhấn mạnh không chỉ cân nhắc việc mua điện từ Trung Quốc mà cần thận trọng trong việc mua điện từ Lào. Vì khi đó sẽ góp phần khuyến khích Lào tăng cường xây dựng các nhà máy thủy điện. Điều này sẽ tác động làm thay đổi mực nước, thay đổi dòng chảy hay cả hệ sinh thái nói chung tại khu vực ĐBSCL của VN. Từ đó sẽ tác động xấu đến môi trường và đời sống kinh tế của người dân. Để phát triển nguồn năng lượng bền vững, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… thì cần thiết phải cấp tốc xây dựng đường dây truyền tải điện. Bởi nếu không phát triển đồng bộ sẽ tái diễn tình trạng các nhà máy điện mặt trời bị buộc phải giảm tải trong khi cả nước lại thiếu điện phải chi ngoại tệ để nhập khẩu. Đặc biệt, TS Lê Anh Tuấn khẳng định tầm quan trọng của việc cần xây dựng quy hoạch sử dụng điện hiệu quả. Trong đó không thể ưu tiên cung cấp điện cho các ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng lại gây ô nhiễm, không hiệu quả hay thua lỗ.

Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ cần 8 – 10 tháng là xong. Trong khi đó xây dựng một đường dây truyền tải điện phải mất nhiều năm. Trước đây quy hoạch phát triển điện của VN chưa đồng bộ nên để xảy ra tình trạng các nhà máy điện mặt trời không thể tải hết năng suất lên lưới điện. Điều này cần phải thay đổi để đảm bảo nguồn cung trong dài hạn.
Theo An Yến/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)