Thời gian gần đây, trẻ em dị ứng thức ăn vào khám và điều trị tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) có xu hướng gia tăng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dị ứng thức ăn có biểu hiện khá đa dạng như: sốc phản vệ, nổi mề đay, hen phế quản, phù thanh quản, viêm mũi, eczema, ngứa, viêm da…
Dị ứng với cả thịt
Thông thường, các loại hải sản như cua, cá biển, tôm, sò, mực,… là nhóm dễ gây dị ứng nhất. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Văn Khánh – Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) cho biết: trên thực tế tất cả các thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là các loại giàu chất đạm. Trường hợp điển hình là 2 bé Sái Trúc L., Sái Nhật L., 16 tháng tuổi ở Tân Thịnh – Thái Nguyên vừa nhập viện đầu tháng 10 vừa qua.
Mẹ của hai bé cho biết: 6 tháng tuổi 2 bé bắt đầu ăn dặm, các bé ăn bột với thịt gà, tôm… không sao nhưng khi cho ăn thịt bò, lợn thì 2 bé đều xuất hiện các nốt mẩn đỏ quanh mồm, sau đó một vài lần tiếp theo bé có các triệu chứng ban đỏ toàn thân… nhưng gia đình nghĩ bé bị nóng. Mới đây, các bé xuống Hà Nội chơi sau khi ăn cháo thịt bò thì bị dị ứng và được cấp cứu tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai). Tại đây, các bác sĩ đã khám và chỉ định làm test trên da với thức ăn nghi ngờ (skin prick test) kết quả cho thấy 2 bé dị ứng với các loại thịt gia súc như: bò, lợn,…
Không chỉ hải sản mà thịt cũng có thể gây dị ứng.
Những biểu hiện
Theo các bác sĩ chuyên khoa, dị ứng thức ăn thường có biểu hiện rất đa dạng, triệu chứng xuất hiện đồng thời ở nhiều cơ quan khác nhau; Trường hợp nhẹ có biểu hiện ngoài da như nổi mề đay, viêm da atopy… Trường hợp nặng có biểu hiện ở hệ hô hấp như viêm mũi, hen phế quản; dị ứng tiêu hóa với các triệu chứng: nôn, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản… thậm chí có trường hợp sốc phản vệ tử vong.
Làm quen từ từ với thức ăn mới
Trẻ em dưới 3 tuổi có nguy cơ dị ứng thức ăn cao, tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng. Trẻ em dễ bị dị ứng thức ăn, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi với những thực phẩm thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt và cá, tôm… Nguyên nhân là do hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao trên cơ địa trẻ bị viêm da (atopy) thì dễ phát triển thành dị ứng.
Với những gia đình có tiền sử bị dị ứng, trẻ sẽ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn. Theo đó cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ. Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi.
Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận (0)