Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giá thịt heo Việt Nam cao nhất thế giới?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Trước đây giá thịt heo ở Trung Quốc cao nhất thế giới, sang năm thứ 2 đại dịch, Việt Nam soán ngôi, dẫn đầu giá thế giới rồi"

Ai “ăn dày” khiến giá thịt heo từ lò mổ ra đến chợ bán lẻ tăng cao gấp đôi là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong bối cảnh các doanh nghiệp, hiệp hội đang kiến nghị ngưng nhập khẩu thịt heo để cứu giá heo trong nước.

Giá thịt heo Việt Nam cao nhất thế giới? - ảnh 1

Giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng đang bị đội giá gấp đôi giá sỉ. NG.NGA

Từ lò mổ ra chợ đội giá gấp đôi

Ngày 15.10, giá heo hơi tiếp tục giảm sốc trên cả 3 miền. Báo cáo đầu ngày giá heo hơi trên cả nước từ 35.000 – 42.000 đồng/kg, thế nhưng, đến chiều cùng ngày, một số trang trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai báo giá heo xuất chuồng chưa đến 35.000 đồng/kg, thậm chí có trại bán ra giá 32.000 đồng/kg. Tương tự, một số tỉnh phía bắc như Tuyên Quang, Sơn La… báo giá bán chỉ 30.000 đồng/kg heo hơi. Trại xuất chuồng 300 con, lỗ 600 triệu, chưa tính đồng công cán.

Các bà tiểu thương giải thích giá tại lò cao, thương lái có tăng… nhưng bản chất là heo mảnh vẫn chỉ tầm 75.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ từ 100.000 – 190.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Cập nhật đến ngày 15.10, giá heo hơi bình quân tại các công ty chăn nuôi lớn cũng chỉ 40.000 đồng/kg, thấp hơn mấy ngày trước từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Một chủ trại heo lớn tại vùng Đông Nam bộ tính toán giá heo hơi xuất chuồng hiện khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trung bình 1 con heo nặng 1 tạ bán được 3,5 – 4 triệu đồng. Công giết mổ một con heo tại lò giết mổ công nghiệp khoảng 100.000 đồng (1.000 đồng/kg, nếu giết mổ tại lò thủ công giá còn thấp hơn), cộng các chi phí vận chuyển từ lò mổ ra chợ thêm 2.000 đồng/kg.

Tổng cộng một ký heo hơi về đến chợ cộng thêm 3.000 đồng, một con cộng thêm 300.000 đồng. Với tỷ lệ thịt và xương thu về sau giết mổ là 75% (nội tạng và đầu không tính), giá heo mảnh về chợ sỉ chỉ khoảng 51.000 – 57.000 đồng/kg, nếu tính thoải mái, cao nhất cũng chỉ 60.000 – 65.000 đồng/kg.

Tại Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi heo, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã mổ heo, đưa ra các điểm bán hàng giá trung bình 75.000 đồng/kg thịt, cao hơn giá thịt heo sỉ 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh ở TP.HCM, thịt heo có giá từ 100.000 đồng/kg xương và 120.000 – 190.000 đồng/kg thịt các loại – mức giá trung bình khoảng 127.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ trong một “chớp mắt” qua lò giết mổ và về chợ dân sinh, giá thịt heo đã đội gấp đôi, từ 65.000 đồng/kg lên 127.000 đồng/kg. Trong khi theo tính toán, giá bán lẻ thịt heo loại ngon cũng không thể cao hơn 100.000 đồng theo mặt bằng giá heo hơi giảm sâu hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói thẳng giá thịt đông lạnh nhập khẩu bán sỉ cũng chỉ 60.000 – 70.000 đồng/kg, giá bán lẻ 100.000 đồng/kg là ba rọi, ba rọi sút sườn loại ngon hàng nhập bán lẻ cao nhất cũng chỉ 150.000 đồng/kg. Trong khi cùng loại tại VN là 200.000 – 260.000 đồng/kg. So với giá thịt heo nhập khẩu từ các nước, giá thịt heo tại VN đang cao nhất thế giới. Trong đó, cứ loanh quanh tầng tầng lớp lớp khâu bán lẻ, đưa đến tay người dân giá gấp đôi.

“Trước đây giá thịt heo ở Trung Quốc cao nhất thế giới, sang năm thứ 2 đại dịch, Việt Nam soán ngôi, dẫn đầu giá thế giới rồi. Điều đáng buồn cho nhà chăn nuôi và người tiêu dùng”, ông Ngọc nói gay gắt.

Thất bại của hệ thống phân phối

Tại sao heo hơi giảm mà thịt heo giá vẫn cao? Chị Hạnh, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình), cho rằng chi phí giết mổ, giao hàng cao. Người bán “ôm” hàng về chợ nhưng chợ ế, có hôm hàng tồn, nên không thể bán rẻ hơn.

Để giảm giá thịt heo, phải cắt giảm bớt khâu trung gian. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chia sẻ, làm trọng tài, bắt buộc các nhà bán lẻ kê khai giá, kê khai khâu nào đội giá lên sẽ biết để điều chỉnh. Chứ mua 1 bán thành 2 là không thể chấp nhận được. Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần ngồi lại giải quyết vấn đề giá thịt heo càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh nhà chăn nuôi bị lỗ, người tiêu dùng bỏ số tiền lớn để ăn thịt heo, các bộ phải biết sốt ruột mà ngồi lại giúp dân.

Ông Vũ Vinh Phú

“Mỗi công đoạn đang đội giá lên một chút, từ chi phí tại lò mổ, thương lái, công giao hàng, hàng tồn… khiến người bán lẻ thịt heo chưa bán được giá thấp hơn được”, chị Hạnh phân bua và cho biết thịt pha lóc chị mua người giao tại chợ vẫn có giá hơn 100.000 đồng/kg thịt nạc, về bán lẻ từ 120.000 – 190.000 đồng/kg tùy loại.

Không đồng ý với giải thích này của tiểu thương, ông Nguyễn Văn Ngọc nói: “Các bà tiểu thương giải thích giá tại lò cao, thương lái có tăng… nhưng bản chất là heo mảnh vẫn chỉ tầm 75.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ từ 100.000 – 190.000 đồng/kg. Chưa hết, các công ty phân phối, lấy hàng tận gốc, bán tận ngọn, sao vẫn giá thịt cốt lết 120.000 đồng/kg, sườn non 200.000 đồng/kg trong siêu thị?”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương), cho biết tháp giá bán lẻ luôn luôn hình thành trên thị trường như sau: giá thấp nhất là ở chợ ven đô, thứ đến là chợ dân sinh ở trung tâm, tiếp theo là giá ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cuối cùng là giá ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. “Giá heo hơi tại Hà Nội đang ở mức 37.000 – 40.000 đồng/kg nhưng ngay sáng 15.10, tôi đi một siêu thị ở phố Tây Sơn (Hà Nội), thấy giá thịt heo trong siêu thị cao hơn nhiều so với chợ dân sinh. Chẳng hạn, sườn heo hơn 200.000 đồng/kg, thịt ba chỉ quế 240.000 đồng/kg, thịt vai 200.000 đồng/kg”, ông Phú dẫn chứng và nói thêm nếu siêu thị trừ 10% thuế giá trị gia tăng, thì giá bán lẻ thịt heo vẫn cao hơn chợ trung tâm từ 15 – 25%.

“So với năm 2020, giá heo hơi hiện tại đang thấp hơn 60%, nhưng giá bán lẻ lại giảm không đáng kể. Điều này chứng tỏ có sự thất bại tạm thời của hệ thống phân phối VN, xảy ra tương đối phổ biến và tập trung nhiều ở mặt hàng thiết yếu. Trong thời kỳ dịch, giá các mặt hàng nói chung có cộng thêm các chi phí kiểm dịch, nhưng đó là phần nhỏ, nay mọi thứ đã giảm, xóa giãn cách, lưu thông thông thoáng nhiều lắm rồi. Hàng thiết yếu vẫn “leo nóc tủ” chứng tỏ có vấn đề”, ông nhận xét và kết luận: “Giá thịt heo về tay người dùng bị “ăn dày” bởi khâu trung gian. Một ký thịt heo thôi mà trước khi đến tay người dùng phải qua khá nhiều khâu trung gian, bao gồm từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, pha lóc và cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ. Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu hưởng 8 – 10% thì giá thịt heo đến tay người tiêu dùng cao đến mức nào”.

Theo Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)