Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá thịt tăng do dân ngán chăn nuôi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát “Tạm đóng cửa Cục Chăn nuôi, đi thực tế tìm hiểu vì sao thịt tăng giá”, bước đầu, Cục này đã tìm ra câu trả lời: do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, con giống, lãi suất… tăng cao khiến dân ngán chăn nuôi.

Nhiều hộ dân đang chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm. Ảnh: P. Anh.

Chăn nuôi nhỏ teo dần

PV theo đoàn công tác do Cục trưởng Chăn nuôi Hoàng Kim Giao dẫn đầu về thị sát tại Bắc Ninh, đến nhà anh Bùi Văn Tây (xã Gia Đông, Thuận Thành), người được coi là khéo làm ăn khi kết hợp nuôi cả lợn và vịt chạy đồng. Từ đầu năm nay, anh xuất gần 20 con lợn, với giá 65-67 nghìn đồng/kg hơi, nhưng nay anh chần chừ chưa dám tái hết đàn cũ.
Anh Tây nói: “Phần vì giống khan hiếm, phần vì sợ rủi ro, lỗ vốn”. Đàn vịt nhỏ 500 con của anh vừa chết sạch do mua qua thương lái, nguồn gốc không rõ ràng. “Ở cái thôn Tam Á này, hầu hết đều làm nông, nên người dân vẫn cố nuôi thêm con lợn, gà, vịt. Với những người có nghề phụ công cao, hoặc đi làm công nhân họ sẽ bỏ chăn nuôi”- Anh Tây nói.
Theo ông Ngô Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Đông, cuối năm 2010, cơn bão dịch lợn tai xanh tràn qua khiến ngành chăn nuôi của xã lao đao, nên năm nay, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, cầm chừng, teo tóp dần. “Hộ nông dân tiếp cận vốn ngân hàng gần như không thể. Còn vốn tín dụng qua kênh phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh thì có, nhưng lại rất ít”, ông Đức nói.
Đến Bắc Giang, một địa phương chăn nuôi lớn của miền Bắc trước đây, có đàn lợn gần 1,1 triệu con, gần 13 triệu gia cầm, thì nay cũng chịu ảnh hưởng lớn do dịch và bão giá.
Ông Nguyễn Đức Hiển, chủ trại lợn giống siêu nạc Việt Tiến khoảng 9.000 lợn nái (huyện Việt Yên) cho rằng, năm nay, chăn nuôi một năm lãi bằng mười năm trước cộng lại. Thế nhưng, ông Hiển nói, sống được chắc chỉ trang trại lớn, có hệ thống nuôi bài bản, còn lại người nuôi nhỏ lẻ, treo chuồng tới 60-70% vì họ sợ dịch bệnh, giá thức ăn, thuốc thú y, con giống tăng cao.
Cũng do thiếu lợn, mà cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp có thể mổ 20 tấn/ngày ở xã Hồng Thái, Việt Yên (lớn nhất, duy nhất của tỉnh Bắc Giang), phải đóng cửa gần 2 tháng nay. Ông Thân Văn Bình, Chủ nhiệm hợp tác xã Bình Minh ngao ngán: “Không có lợn để mổ, cơ sở đóng cửa, còn công nhân thì cho đi xách vữa hết cả rồi”.
Tái đàn, tăng nguồn cung
Sau chuyến thị sát thực tế gấp ở một số địa phương trong cả nước của Cục Chăn nuôi, kết quả sơ bộ cho thấy, có khoảng 10-30% số hộ chăn nuôi nhỏ để trống chuồng, còn hệ thống trang trại lớn không mở rộng sản xuất.
Ông Hoàng Kim Giao cho biết, tháng 6 vừa rồi là tháng khan nguồn lợn thịt nhất, bởi lẽ do dịch bệnh cuối năm 2010, đầu năm 2011 (4-5 tháng sau mới bán) hoành hành làm ảnh hưởng nguồn giống và tâm lý tái đàn của người dân. Mặt khác, thời gian qua, có hiện tượng mất cân đối nguồn cung tại một số điểm, vùng, địa phương, nên đã tạo ra cơn khan hiếm thịt cục bộ.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Chăn nuôi cho rằng, để bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới, phải khống chế được dịch bệnh. Sau đó, dùng các biện pháp kỹ thuật, tăng đàn nhanh với lợn thịt, khuyến khích chăn nuôi gia cầm vì phí ít, vòng quay nhanh và không gây ô nhiễm môi trường so với lợn.
Theo Phạm Anh
Tien Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)