Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Giá tour nội cao, khách Việt chọn xuất ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu vài năm trước tỉ lệ du lịch trong nước và nước ngoài bằng nhau thì năm nay tại Ngày hội du lịch TP.HCM, khách chọn tour nước ngoài chiếm 70-75%…

Giá tour nội cao, khách Việt chọn xuất ngoại
Khách hàng tham khảo tour du lịch nước ngoài trong Ngày hội du lịch – Ảnh: Duyên Phan

Theo các công ty lữ hành, đây là “hiện tượng đau lòng” của du lịch VN thời gian gần đây khi giá tour trong nước ngày càng đắt đỏ, trong khi tour nước ngoài không ngừng giảm giá, rẻ đến bất ngờ.

Tour ngoại “cháy” hàng

Sáng 24-3, gian hàng của Công ty TransViet Travel có gần cả trăm người chen nhau đặt tour. Nhân viên tư vấn bận bịu trước hàng loạt câu hỏi không ngừng của khách, trong đó phần lớn câu hỏi tập trung vào tour đi nước ngoài.

Vợ chồng ông Minh (Q.Bình Thạnh) đến hội chợ “săn” tour đi Thái Lan và Campuchia. Sau khi mua được tour đi hai nước này với giá chỉ gần 15 triệu đồng, ông Minh cho biết trước nay chỉ đi trong nước nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, nên giờ bắt đầu đi nước gần cho biết những thứ mới lạ.

Theo đại diện TransViet Travel, sau ngày đầu giảm giá, 80% khách đã chọn đặt tour đi nước ngoài với mức giá tầm 9 triệu đồng trở lên.

Các điểm đến phổ biến là Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 50% lượng khách, tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Đài Loan và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tương tự, hơn 100 khách đặt mua tour trong ngày đầu của Công ty BenThanh Tourist thì chỉ 20-30% chọn đi trong nước với một số điểm đến quen thuộc như Hạ Long – Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – đại diện đơn vị này, một trong những nguyên nhân khiến khách chọn đi nước ngoài ngày càng nhiều do hầu hết người đi du lịch đều muốn bước ra khỏi biên giới và đặc biệt, mặt bằng giá tour xuất ngoại ngày càng giảm.

“Vài năm trước, giá tour đi du lịch Nhật Bản trong 4-6 ngày tốn đến 50-60 triệu đồng/khách, nhưng nay nhiều đơn vị tung ra chỉ chưa tới 30 triệu đồng, chất lượng vẫn ngang ngửa. So với khoảng 5 năm trước, hiện giá tour đi nước ngoài hầu hết đều giảm 10-20%” – bà Mai khẳng định.

Theo Công ty Saigon Tourist, trong 800 khách đã đặt tour trong ngày đầu ngày hội thì hơn 70% đi nước ngoài.

Trong nước, các tour giảm giá mạnh, tới 50%, cũng được đặt kín chỗ. Còn lại, các điểm đến khác như Phan Thiết, Đà Lạt, Vũng Tàu đi trong dịp 30-4 và 1-5 vẫn chưa bán được nhiều. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương và dịp lễ 30-4, nhiều khách hàng đã “ngó lơ” những điểm đến trong nước…

Tour nội kém hấp dẫn

Giá tour trong nước cao là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến khách ngày càng ít chọn tour nội địa.

Vừa trở về từ chuyến du lịch Nhật Bản, bà Cẩm Linh, ngụ Q.Tân Bình, cho biết bà chỉ tốn khoảng 23 triệu đồng cho tour 5 ngày 4 đêm ở Nhật và hiện đang tìm thêm tour giá tốt đi Đài Loan.

“Với giá 10 triệu đồng/tour đi Đài Loan, tôi không nghĩ số tiền đó sẽ đủ đi chơi đâu đó trong nước với gia đình” – bà Linh nói.

Theo ông Trần Thế Dũng – phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, có nhiều nguyên nhân lý giải hiện tượng tour nội ế ẩm, tour ngoại tấp nập, nhưng lý do chính là tour nội giảm giá chưa đủ hấp dẫn, thậm chí giá tour nội còn có xu hướng tăng vào dịp 30-4 và 1-5.

Mặc dù nỗ lực rất nhiều nhưng theo ông Dũng, giá tour nội vẫn còn rất cao. Chẳng hạn hiện nay giá vé máy bay chặng TP.HCM – Hà Nội khoảng 2,5-2,6 triệu đồng/khứ hồi, nhưng gần đến ngày lễ 30-4 giá này phải lên trên 3 triệu đồng.

“Chúng tôi đang đau đầu với tour đi miền Bắc, các khách sạn ở Sa Pa giá tăng gấp 5-6 lần, làm sao chúng tôi có thể giảm giá để cạnh tranh với tour nước ngoài. Các hãng lữ hành đang thực hiện những tour nội địa rất đau lòng” – ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, ngoài giá cả kém cạnh tranh, du lịch trong nước còn đối mặt với câu chuyện bát nháo, “chặt chém” khiến nhiều khách ưu tiên đi nước ngoài du lịch khi có điều kiện.

Đại diện Công ty Du lịch Việt cũng thừa nhận trong khi các sản phẩm du lịch nước ngoài rất đa dạng thì tour nội lại có mức giảm giá khiêm tốn.

Nhiều đơn vị để hút khách đi du lịch nước ngoài đã chia hai sản phẩm là du lịch truyền thống cho những khách có túi tiền vừa phải và cao cấp để khách tăng khả năng lựa chọn. Giá tour chênh lệch nhau đến gần 70-80%.

Ngoài ra, các thủ tục như visa, giấy tờ liên quan ngày càng được đơn giản hóa cũng là nguyên nhân khiến người ta đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.

Thiếu liên kết, 
khó giảm giá

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, hầu hết các đơn vị lữ hành hiện ngày càng không chú trọng với tour trong nước do lợi nhuận không cao, trong khi vật giá phục vụ ngành du lịch trong nước không ngừng tăng, chất lượng không cải thiện, khách rời bỏ du lịch trong nước là điều khó tránh.

Để có được một tour du lịch, đơn vị lữ hành phải làm việc với hàng chục đơn vị liên quan từ vé máy bay, nhà hàng – khách sạn, điểm đến… nên nhiều trường hợp không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, đẩy giá cao.

Theo các chuyên gia, bản thân các nhà làm du lịch cũng phải chuyển mình để phù hợp với xu hướng.

Với xu hướng khách tự đi ngày càng nhiều, cần tăng các chương trình đơn giản và dễ dàng để giúp khách đi riêng lẻ đặt vé máy bay, khách sạn và phương tiện di chuyển.

Ngoài ra, du lịch VN cần tăng liên kết các khâu từ khách sạn, nhà hàng tới hãng lữ hành để cùng đưa ra chương trình hấp dẫn, cùng hưởng lợi, tránh chụp giật tăng giá khi có dịp khiến khách dần chê tour nội.

Ông Trần Thế Dũng cũng cho rằng Hiệp hội Du lịch TP.HCM cùng nhóm khuyến mãi kích cầu cần làm việc với các hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ để có cam kết không tăng giá trong dịp lễ, tết.

“Muốn cạnh tranh thì chúng ta phải đoàn kết và làm đồng bộ, chứ như hiện nay chúng ta không đoàn kết, không dựa lưng vào nhau, cạnh tranh thiếu lành mạnh” – ông Dũng nói.

Sẽ giảm giá đặc biệt 15.000 tour

Hiệp hội Du lịch VN đã công bố như vậy ngày 24-3 tại họp báo giới thiệu Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017 (VITM 2017) với chủ đề Hà Nội – điểm đến của du lịch VN, sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9-4 tại Cung văn hóa Hữu Nghị (91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết VITM 2017 sẽ có 652 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không… từ 43 tỉnh thành VN và 25 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Theo ban tổ chức, để kích cầu du lịch, tại hội chợ dự kiến có 45.000 vé máy bay giá rẻ và hơn 15.000 tour trọn gói giảm giá đặc biệt được các doanh nghiệp chào bán tới khách hàng. VITM 2017 cũng có Liên hoan ẩm thực đường phố quốc tế, để công chúng trải nghiệm các món ăn đặc sắc của VN và một số nước với sự tham gia của nhiều đầu bếp nổi tiếng.

V.V.TUÂN

Cơ quan quản lý cần năng động vào cuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều công ty lữ hành cho biết VN cần học hỏi cách làm của nước ngoài. Như Thái Lan, ngoài làm tốt chất lượng dịch vụ du lịch trong nước, họ còn sang VN giới thiệu cho các công ty lữ hành nhiều kịch bản chương trình khá hấp dẫn. Chính họ chủ động quảng cáo đất nước mình giúp công ty lữ hành, nên việc công ty lữ hành và khách hàng chọn đi Thái ngày càng nhiều không có gì lạ. Trước thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý du lịch cần tổ chức các hội nghị để các đơn vị liên quan cùng ngồi với nhau tìm giải pháp, đưa ra các chương trình kích cầu lớn như Thái Lan, Nhật Bản… đã và đang làm. Trong chương trình này, các đơn vị liên quan phải thống nhất các vấn đề nhằm giảm đến mức thấp nhất các hạn chế, phát sinh trong quá trình đi tour.

 

NHƯ BÌNH – NGUYỄN TRÍ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)