Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giá trị của bài học về lòng trung thực

Tạp Chí Giáo Dục

Trời bỗng mưa dữ dội, nhiều người đi đường và tôi không mang theo áo mưa nên đành kiếm chỗ trú mưa dưới hàng hiên của một ngôi nhà bên đường. Lúc ấy, có một cậu bé dáng người gầy yếu trong một chiếc áo mưa mỏng tanh, rách nhiều chỗ đã làm một việc mà đến giờ, tôi vẫn nhớ như in.
Cậu bé chừng 12 tuổi, ướt mèm vì nước mưa, tay cầm một sấp vé số được gói trong một túi ni-lông nhỏ. Cậu bé đi men theo vỉa hè để mời khách mua giúp vé số. Mời được khoảng 10 vị khách mà chẳng có ai mua nên em đi lầm lũi xuống lòng đường trong cơn mưa. Bất chợt, tôi thấy cậu bé cúi xuống đất lượm lên một vật nhỏ rồi đi vào hiên nhà mở ra xem. Đó là một chiếc ví da của nam giới hay dùng, bên trong có rất nhiều tiền. Lúc ấy, tôi thấy cậu có vẻ đăm chiêu và mắt nhìn xa xăm về một hướng. Tôi nghĩ: “Chắc cậu bé đang nghĩ đến việc sử dụng số tiền này”. Nhưng, khi tôi đang bị cuốn theo sự suy nghĩ ấy thì bất chợt, em đến gần tôi và thưa thật lễ phép: “Chú ơi, chú có thể chở giúp cháu đến đồn công an để tìm người bị rớt cái ví này được không ạ?”. Chưa hết ngỡ ngàng vì lời đề nghị ấy của cậu bé bán vé số thì tôi lại bất ngờ hơn khi nhận ra em là học trò cũ của mình cách đây ba năm.
Trên đường đi đến đồn công an, Hoàng đã kể cho tôi nghe về việc em phải đi bán vé số để kiếm tiền chạy thuốc thang cho mẹ đang bệnh nặng. Tôi hỏi: “Nhặt được ví tiền này, em có suy nghĩ là dùng nó để mua thuốc cho mẹ không?”. Hoàng trả lời ngay: “Thưa thầy, nếu em làm như vậy thì bài học về lòng trung thực mà thầy dạy em đã không còn ý nghĩa nữa”. Nghe câu trả lời ấy, lòng tôi nghẹn lại, nghẹn vì xúc động khi có cậu học trò đã biết được ý nghĩ sâu xa của lòng trung thực trong cuộc sống. Em tâm sự thêm với tôi: “Em bán vé số, kiếm được tiền cũng là do chính sức lao động của em, do đó em không tham mà lấy đi số tiền trong ví của người bị mất. Họ mất đi cũng rất đau buồn thì em làm sao vui khi sử dụng những đồng tiền này!”.
Đó cũng chính là thông điệp mà chúng ta muốn gửi đến những người mang trọng trách giáo dục thế hệ trẻ làm sao tạo cho học sinh hiểu một cách sâu sắc về giá trị đạo đức và tính nhân văn trong mỗi việc các em làm, để cuộc sống này bớt đi những thói xấu do những hành vi vô đạo đức, thiếu kỹ năng sống gây nên.
Trần Minh Duy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)