Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH TP.HCM, hơn 78% lao động (LĐ) tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài là LĐ chưa qua đào tạo, chủ yếu làm các công việc đơn giản, LĐ phổ thông.
LĐ tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Sở LĐ,TB&XH TP tổ chức ngày 28-10-2016. Ảnh: T.A |
Cung không đáp ứng cầu
Nhu cầu tiếp nhận LĐ làm việc ở nước ngoài ngày càng lớn nhưng thị trường không đáp ứng được. Theo Sở LĐ,TB&XH TP, năm 2017, chỉ riêng TP.HCM có nhu cầu tiếp nhận trên 16.000 LĐ ở các ngành cơ khí chế tạo, xây dựng, điều dưỡng… Rõ ràng, xuất khẩu LĐ là một thị trường béo bở nhưng chúng ta lại đang bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM khẳng định: “Giá trị LĐ của Việt Nam rất thấp, chủ yếu xuất khẩu LĐ “thô”…”.
Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu LĐ và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã bao giờ phối hợp tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp nâng cao giá trị LĐ xuất khẩu hay chưa?
Tại buổi gặp gỡ đại diện các trường nghề và chuyên gia LĐ để trao đổi xung quanh đề án đào tạo nghề trọng điểm của TP do Sở LĐ,TB&XH TP tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo cho biết: “Trình độ ngoại ngữ của LĐ Việt Nam cực kỳ kém, hơn nữa tay nghề yếu so với LĐ xuất khẩu của các nước trong khu vực. Một thực tế nữa là nhiều năm nay, các DN xuất khẩu LĐ chỉ chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng”.
Số lượng ở đây được các chuyên gia LĐ phân tích chỉ là LĐ phổ thông, không có LĐ trình độ cao. Chính vì vậy, giá trị thặng dư từ xuất khẩu LĐ rất thấp, nếu không muốn nói là không có.
Ông Lâm cho rằng, xuất khẩu LĐ như lâu nay không bền vững. DN tự “bơi” tìm LĐ, trong khi đó nhà trường cũng không có cơ sở nào để đầu tư đào tạo một LĐ có trình độ phục vụ xuất khẩu. “Các cơ sở GDNN, trường nghề của TP có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có chuyên môn nhưng thiếu gắn kết với DN xây dựng chương trình đào tạo nghề để xuất khẩu LĐ một cách chuyên nghiệp, bài bản, đó là một lãng phí lớn”, ông Lâm nói.
Ông Mã Hoàng Lê, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ,TB&XH TP) khẳng định: “Đào tạo một LĐ có trình độ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu LĐ tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc không tốn kém là mấy. Song, được cái lợi rất lớn là sau thời gian làm việc ở nước ngoài về, LĐ này sẽ đem kiến thức lĩnh hội được từ thực tế để phục vụ đào tạo những nghề trọng điểm mà chúng ta đang rất cần”. Ông Lê giải thích thêm, đưa LĐ phổ thông đi xuất khẩu thì họ chỉ biết kiếm tiền, tức chỉ có cái lợi trước mắt cho nhà môi giới và người LĐ.
Đâu là nguyên nhân
TS. Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM thừa nhận, thị trường xuất khẩu LĐ hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ và không bền vững. Để khắc phục tồn tại này, theo ông Bình, công tác đào tạo LĐ xuất khẩu cần được nhìn nhận lại, phải có một kế hoạch phối hợp cụ thể và chặt chẽ giữa trường nghề, DN xuất khẩu LĐ và quản lý Nhà nước với cơ chế phù hợp. Tiêu chuẩn tiếp nhận LĐ của các nước đã rõ ràng, các DN và cơ sở dạy nghề nên căn vào đó để đào tạo. Đó là giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu LĐ, tạo uy tín của Việt Nam trên thị trường LĐ khu vực và quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, khung trình độ nghề quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề tương đương giữa các nước trong khu vực và quốc tế còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân dẫn đến LĐ xuất khẩu không có giá trị cao. Theo ông Bình, các DN cũng cần thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng LĐ xuất khẩu ngành nghề nào, thế mạnh của đơn vị mình để người LĐ và cơ sở dạy nghề biết.
Ông Bình nói: “Các trường xác định đào tạo sinh viên là để phục vụ DN, trong đó còn phục vụ cho xuất khẩu LĐ. Tuy nhiên, phía DN vẫn chưa thật sự muốn gắn kết với trường học và khi có hợp đồng, họ chỉ biết tìm nguồn LĐ trôi nổi”.
Từ thực tế này, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Lâm đề nghị các DN xuất khẩu LĐ thu thập thông tin chính xác từ những người LĐ về nước để tìm hiểu yêu cầu thực tế của thị trường LĐ các nước, từ đó bắt tay với trường nghề đào tạo, bồi dưỡng để tránh lãng phí.
T.Anh
Bình luận (0)