Tuy vàng từ lâu được xem là kênh trú ẩn chống lạm phát nhưng việc FED tăng lãi suất khiến giới đầu tư rời bỏ tài sản không có lãi suất này
Theo một số chuyên gia, thị trường vàng hiện đối mặt nỗi lo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với kim loại quý này. Một yếu tố tác động khác là các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để biết được chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Công ty Khai thác khoáng sản Kitco Metals (Canada), nhận định giá vàng đang chịu sức ép do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và đồng USD tăng giá. Tuy vàng từ lâu được xem là kênh trú ẩn chống lạm phát nhưng việc FED tăng lãi suất khiến giới đầu tư rời bỏ tài sản không có lãi suất này và lựa chọn đồng USD khiến đồng tiền này tăng giá mạnh.
Một cửa hàng trang sức vàng tại TP Kolkata – Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Ngày 12-7, đồng euro đã giảm giá xuống thấp hơn đồng USD trên sàn giao dịch Moscow trong bối cảnh xuất hiện nỗi lo cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy Liên minh châu Âu vào suy thoái. Trên các sàn giao dịch quốc tế, đồng euro tiến gần đến mức ngang bằng với đồng USD.
Tính từ đầu năm đến nay, đồng euro đã giảm 12% so với đồng USD do các nền kinh tế ở châu Âu bị tổn thương bởi giá năng lượng tăng cao, một phần do cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Theo giới chuyên gia, FED nhiều khả năng tiếp tục mạnh tay kiềm chế lạm phát sau khi dữ liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chính thức được công bố. Theo đài CNBC, đã xuất hiện báo cáo CPI trong tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hằng năm cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 12-1981.
Lạm phát cao như thế nhiều khả năng buộc FED tăng lãi suất mạnh trong cuộc họp tiếp theo vào 2 tuần tới. Việc tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời làm kinh tế và lạm phát tăng chậm lại.
Theo AP, một số nhà kinh tế lo ngại rằng mong muốn ngăn lạm phát của FED có thể khiến lãi suất tăng quá nhanh ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm đi. Chi phí đi vay cao hơn nhiều có thể dẫn đến suy thoái trong năm tới.
Sẽ trở lại mức hơn 2.000 USD/ounce? Trả lời phỏng vấn trang Kitco News, nhà phân tích Huw Roberts của Công ty Quant Insight (QI – Anh) khẳng định mô hình phân tích của QI cho thấy giá vàng tiếp tục giảm trong tương lai gần. Để thị trường vàng khởi sắc, theo ông Roberts, cần có sự thay đổi trong xu hướng lãi suất hiện tại. Nói cách khác, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư nhiều khả năng vẫn sẽ lạnh nhạt với vàng kể cả khi thị trường vàng đang giảm giá. Trong khi đó, Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) tin rằng giá vàng vẫn có thể tăng trở lại để chạm mốc 2.050 USD/ounce vào cuối năm nay như dự báo họ đưa ra trước đó. "Giá USD đã tăng 12% kể từ đầu năm nay, với phân nửa mức tăng trong số này đến từ tháng rồi. Giá USD hiếm khi tăng đột ngột như vậy nhưng khi kịch bản này xảy ra, giá hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi phần lớn chúng được định giá bằng USD" – chuyên gia John LaForge của Wells Fargo khẳng định vào đầu tuần này. Cũng theo ông LaForge, giá USD thời gian tới sẽ không tăng đột ngột bởi đồng bạc xanh đang ở gần mức đỉnh. "Giá vàng cần tăng thêm 17% để chạm mốc 2.050 USD/ounce vào cuối năm 2022 như chúng tôi dự đoán. Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự đoán này vì mức tăng 17% là hoàn toàn khả thi. Với việc suy thoái kinh tế đang cận kề và vàng khá rẻ so với hầu hết các mặt hàng khác, các nhà đầu tư có thể bắt đầu mua vàng" – ông LaForge nói. Cao Lực |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)