“Nếu giảm được giá bán lẻ thì tốt quá, tuy nhiên, việc trước mắt phải dần dần đưa kinh doanh xăng dầu về với thị trường theo đúng nghĩa hơn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhấn mạnh chiều 9/6.
Trước đó, thị trường xôn xao với thông tin Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất phương án điều chỉnh giảm đối với mặt hàng xăng dầu.
Không thừa nhận cũng không bác bỏ thông tin này, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa chỉ khẳng định “đang trình các phương án điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng”.
Mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được tăng thêm
Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, với mức giá hiện tại mặt hàng xăng vẫn đang lãi rất ít hoặc chỉ hòa vốn. “Đây là mức lãi khi doanh nghiệp nhập được giá xăng dầu ở mức thấp liên tục vài ngày, trong khi từ trước đó, doanh nghiệp đã chịu lỗ khá lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro lại khẳng định, tính trong 30 ngày qua, doanh nghiệp này chưa lãi ở mặt hàng xăng trong khi mức lãi của mặt hàng dầu diesel là chưa đủ bù đắp. “Nếu trả thù lao đại lý ở mức 1.000 đồng/lít dầu diesel như các doanh nghiệp khác thì không thể lãi được, còn nếu trả thù lao ở mức 500 đồng/lít thì các đại lý không đồng tình”, ông Sang nói.
Vị Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng cho biết, từ trung tuần tháng 5, doanh nghiệp này đã có văn bản đề xuất tăng giá một số mặt hàng, do “giá xăng dầu tính bình quân 30 ngày tại thời điểm đó ở mức rất cao”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn không đồng tình với phương án tăng giá.
Xác nhận thông tin này, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết, tại thời điểm đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu được nêu ra tại Nghị quyết 11 và giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, liên bộ Tài chính – Công Thương đã không thông qua phương án tăng giá.
Sau đợt giảm giá vừa qua trên thị trường thế giới, Petrolimex đã có văn bản trình Bộ Tài chính đề xuất tăng mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mỗi lít xăng dầu bán ra. Ưu tiên thứ hai trong đề xuất của doanh nghiệp này là sẽ tăng thuế nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm.
“Thời gian qua, với mục đích góp phần giảm giá bán lẻ xăng dầu để thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Bộ Tài chính đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng này, tuy nhiên, mức thuế suất này là không thỏa đáng cho ngân sách nhà nước và cần được điều chỉnh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Petrolimex, ông Sang cho rằng nên tăng thuế nhập khẩu để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, một hạn chế của thị trường xăng dầu được vị Tổng giám đốc Saigon Petro chỉ ra là việc quản lý hạn ngạch đang gây khó khăn cho một số doanh nghiệp.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có doanh nghiệp nhập khẩu liên tục để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mặc dù giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải nhập. Trong khi đó, có doanh nghiệp lại không chịu nhập và chờ đến thời điểm hiện nay lại nhập ồ ạt, đồng thời, tăng mức trích thù lao đại lý cao hơn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu khẳng định đã trình Chính phủ phương án điều hành giá xăng dầu theo hướng “lấp dần” các khiếm khuyết “phi thị trường” trong thời gian vừa qua do phải vận hành trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn cùng với việc thực hiện bình ổn giá theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)