Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá xăng dầu: Tăng cao nhưng giảm nhỏ giọt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá xăng trong nước chỉ giảm 350 đồng/lít được đánh giá là không hợp lý, bởi giá thế giới đã đem lại cho doanh nghiệp (DN) mức lãi trên 800 đồng/lít.
Người tiêu dùng sẽ vẫn chịu thiệt nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu – Ảnh: MINH ĐỨC
Thực tế ngày 15-12 giá dầu DO ở Singapore – thị trường nhập khẩu chính của VN – tiếp tục giảm nhẹ, cách biệt so với thời điểm tăng giá trong nước (ngày 20-11) là 9 USD. Cơ chế giá xăng dầu do DN đầu mối tự quyết định đã đi vào cuộc sống. Nhưng quan sát cung cách giảm giá xăng ngày 15-12, một chuyên gia trong ngành tỏ ra lo ngại nếu Nhà nước không có cơ chế giám sát chặt DN.
Phụ thuộc “ông lớn”
Ông Vương Thái Dũng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) – một mặt thừa nhận giá nhập khẩu bình quân 20 ngày qua của mặt hàng xăng là trên 79 USD/thùng, nhưng mặt khác lại cho rằng mức giảm vừa qua là hợp lý. Tuy nhiên, với mức giá trên cộng với chi phí vận chuyển và bảo hiểm, mỗi lít xăng về đến cảng TP.HCM giá chỉ là 9.373 đồng/lít. Cộng các khoản thuế, phí, trích nộp quỹ bình ổn, mỗi lít xăng A92 sẽ có giá 15.707 đồng nếu mức chiết khấu cho đại lý là 900 đồng, hoặc 15.457 đồng nếu mức chiết khấu là 650 đồng. Như vậy, mức lãi dao động từ 600- 850 đồng/lít.
Ngừng trích 1.000 đồng trả ngân sách
Bộ Tài chính khẳng định ngân sách nhà nước đã thu đủ số tiền tạm ứng bù lỗ cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu vay. Vì vậy, kể từ ngày 15-12 các DN được ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo quyết định mới này, mỗi lít xăng dầu sẽ trích nộp 300 đồng, thay vì có hai mức như trước đây.
Chính vì mức lãi trên mà một số DN đầu mối nhỏ đã dự định giảm giá xăng 500 đồng/lít. Nhưng các DN này phải thay đổi quyết định vì Petrolimex, đơn vị có thị phần thống lĩnh trên thị trường, chỉ giảm 350 đồng/lít.
Khác với Petrolimex và các công ty khác, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) đã giảm 400 đồng/lít. Tuy không cách biệt bao nhiêu nhưng điều này cho thấy việc giảm mạnh hơn là điều có thể. Một lãnh đạo của PV Oil nói tăng thêm 50 đồng là không đáng kể nhưng đem lại tiện ích cho người tiêu dùng là điều nên làm.
Trong lần tăng giá gần đây nhất vào ngày 20-11, đối với xăng, DN tăng giá đến 800 đồng trong khi mức lỗ được tính chỉ từ 300-400 đồng, dầu tăng 1.000 đồng trong khi lỗ khoảng 800 đồng. Cần nói thêm là từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng chỉ mới giảm giá hai lần, dầu DO và dầu hỏa giảm ba lần, trong khi đó các mặt hàng này đã tăng giá cả chục lần.
Cũng thật không công bằng đối với người tiêu dùng khi các DN đầu mối tăng mức chiết khấu cho hệ thống đại lý lên đến trên 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, giám đốc một DN thừa nhận mức chiết khấu hợp lý là 600 đồng/lít. Petrolimex là đơn vị sở hữu số cửa hàng xăng dầu lớn nhất với hơn 1.800 cửa hàng. Vì thế, mức chiết khấu cao đem lại lợi ích cho ai là điều dễ hiểu. Trong cơ chế mới này, việc DN quyết định mức giảm quá nhỏ so với mức lãi khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi liệu DN sẽ hành xử thế nào khi giá xăng dầu tăng?
Bài toán Petrolimex
Thị phần quá lớn của Petrolimex khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dù có quy định mới, thị trường xăng dầu VN vẫn thiếu tính cạnh tranh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nghị định mới vẫn chưa thể giải quyết vấn đề mấu chốt để thị trường xăng dầu có một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Quy định mới mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, tuy nhiên Petrolimex vẫn thống lĩnh thị trường với trên 60% thị phần thì các DN mới có tham gia cũng khó.
Thực tế, để đón đầu quy định mới trong việc mở cửa thị trường xăng dầu, tại TP.HCM đã có một số DN mới thành lập nhưng khi nghiên cứu nghị định, các DN này quyết định chỉ làm khâu phân phối và tạm hoãn tham gia hoạt động nhập khẩu. “Nghị định cho phép DN đầu mối được quyết định giá bán buôn. Trong khi đó, Petrolimex sở hữu hệ thống phân phối hùng mạnh thì chắc chắn sẽ quyết định giá có lợi cho họ” – giám đốc một DN nhận xét.
Petrolimex là DN dẫn dắt thị trường và gần như là người quyết định giá cả. Các đầu mối nhập khẩu khác đều nhìn vào đơn vị này để điều chỉnh giá theo. Người tiêu dùng nghi ngờ về việc các DN bắt tay nhau để quyết định giá không phải là vô lý. Chia sẻ điều này, một chuyên gia nhận xét: “Việc thả nổi thị trường xăng dầu cho DN quyết định là điều nên làm, nhưng bộ máy giám sát phải làm việc hiệu quả, nếu không thua thiệt vẫn là người tiêu dùng”.
LÊ NGUYÊN MINH/TTO
Giá tăng, giảm không hợp lý sẽ phải điều chỉnh
Bộ Tài chính vừa thành lập tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu. Theo đó, tổ giám sát liên ngành có trách nhiệm tiếp nhận quyết định về giá của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Khi có quyết định mới về giá, DN vẫn phải gửi giải trình tính toán giá bán xăng dầu đến tổ giám sát đồng thời với việc triển khai giá mới.
Từ giải trình trên, tổ giám sát sẽ xem xét mức giá có hợp lý và đúng không. Chậm nhất sau ba ngày làm việc, tổ trưởng tổ giám sát liên ngành có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các thành viên về hồ sơ giá xăng dầu của các thương nhân để kiến nghị với lãnh đạo liên bộ có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu tổ giám sát phát hiện giá do thương nhân quy định không hợp lý sẽ có thông báo bằng văn bản và có quyền không chấp thuận, yêu cầu thương nhân phải bán với mức giá hợp lý.
CẦM VĂN KÌNH
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)