Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giá xăng dầu tăng chưa gây nguy cơ lạm phát

Tạp Chí Giáo Dục

Việc liên Bộ Tài chính – Công Thương cho phép các doanh nghiệp đầu mối tăng giá xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít từ ngày 10/6 đã làm dấy lên những lo ngại về việc ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây lạm phát.

Lạm phát luôn “ám ảnh” nền kinh tế Việt Nam (ảnh minh họa).


Chúng tôi đã trao đổi với ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) và ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Thưa ông, ông có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng kinh tế từ việc tăng giá xăng dầu mới đây?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Giá xăng dầu ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả giá thành các sản phẩm khác và các chuỗi dây chuyền đằng sau nên khi giá xăng dầu tăng ắt nó sẽ có tác động. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá xăng dầu vừa qua chưa đến mức đột ngột và sự chênh lệch chưa quá cao nên dù có ảnh hưởng nhưng cũng không đến mức khốc liệt lắm.

Ông Vũ Đình Ánh: Việc tăng giá xăng dầu đã ít nhiều ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của nền kinh tế, tuy nhiên khi điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới thì chúng ta cần tính toán đến việc giảm những tác động tiêu cực trong việc tăng giá đó.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã có cơ chế rõ ràng; nó liên quan cả đế vấn đề đảm bảo tính bình ổn, đồng thời liên quan đến việc điều hành giá theo thị trường, vì thế chúng ta chưa thể áp dụng việc thả giá xăng dầu theo thị trường ngay được mà phải cân nhắc cả hai trong bối cảnh này.

Vậy nên trong chừng mực nhất định, việc điều chỉnh giá xăng dầu vẫn cần có sự can thiệp của nhà nước để phục vụ mục tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, mục tiêu đó cần phải căn cứ vào việc đánh giá các diễn biến, các chỉ số quan trọng về kinh tế.

Cần nhận định rõ các yếu tố tác động đến việc tăng lạm phát, mức độ chịu đựng của nền kinh tế, lúc đó đặt việc điều chỉnh giá xăng dầu trong bài toán đó sẽ hợp lý hơn vì giá xăng dầu chi phối đến nhiều lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Liệu việc tăng giá này với những tác động liên quan đến giá hàng hóa, dịch vụ có thể đẩy lạm phát tăng cao không, thưa ông?

Ông Vũ Đình Ánh: Theo tôi, chưa tác động đến nguy cơ tăng lạm phát bởi mức độ tăng giá xăng dầu mới đây chưa phải là cao.

Hơn nữa, trong năm nay, khả năng kiềm chế lạm phát là dưới mức hai con số, mà từ đầu năm đến nay tốc độ lạm phát mới chỉ ở mức 2%, nên nguy cơ gây lạm phát cao sau việc tăng giá xăng dầu lần này chưa thể xuất hiện được.

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nguy cơ tăng lạm phát bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân có khả năng gây áp lực lạm phát lớn nhất là khối lượng tiền đưa ra thị trường, và khả năng thu hồi thông qua lượng hàng hóa trong lưu thông.

Tuy nhiên, điều đó có thể gây áp lực lạm phát hay không là còn phụ thuộc vào khả năng điều hành của bộ máy quản lý. Ví dụ, ta đưa một khối lượng tiền lớn trong gói kích cầu nhưng ta đưa đúng vào vị trí thì nó tạo ra hàng, tạo ra cân đối trở lại nên sẽ không có vấn đề gì lớn.

Khi ta đưa một lượng tiền lớn như thế nhưng ta tìm cách thu về ngay; ta đưa tiền ra để tạo ra sức mua, sức mua tăng trưởng thì mức độ lưu thông được đẩy mạnh, từ đó ta có thể lấy tiền trong lưu thông về. Hoặc chúng ta dùng lãi suất các loại để hút tiền về, nếu cần hút tiền để chống lạm phát.

Tất nhiên, cảnh báo về lạm phát và những nguy cơ đe dọa đến lạm phát là có, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để ổn định lại hoặc giảm nguy cơ lạm phát.

Việc tăng giá xăng dầu cũng góp phần làm tăng áp lực lạm phát nhưng cũng chưa phải là lớn, nó chưa có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát, chưa thể làm tăng nguy cơ gây lạm phát.

Theo Thoa Nguyễn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận (0)