Giá xăng tăng cao lên gần mức 30.000 đồng/lít cuối tuần qua đã tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng…
Tại các siêu thị ở TP HCM, dù bảng khuyến mãi treo khắp nơi nhưng trừ nhóm mặt hàng nông sản đang "dội chợ" thì giá hàng hóa sau khuyến mãi vẫn không rẻ. Các doanh nghiệp (DN) cũng "cân não" với việc tăng giá bán sản phẩm do chi phí tăng cao khiến sức mua của thị trường vẫn chậm.
Dầu ăn là mặt hàng có giá tăng nóng thời gian qua
Hàng gì cũng tăng giá
Siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) đang chạy chương trình "giá sốc cuối tuần" (giảm 3.000 đồng/chục so với giá niêm yết) nhưng giá sau khuyến mãi vẫn 28.500 đồng/chục đối với trứng cỡ vừa 55 g/quả và giới hạn mỗi khách chỉ được mua 1 chục. Giá sữa tươi nhập khẩu sau khuyến mãi vẫn còn 45.000 đồng/lít so với trước dịch cao hơn đến 10.000 đồng/lít.
Nóng nhất là giá dầu ăn đã vượt mức 50.000 đồng/lít cho hầu hết các nhãn hàng dù đang thực hiện chương trình khuyến mãi. Điều này đã thêm gánh nặng tính toán chi tiêu của các bà nội trợ do những mặt hàng tăng giá là hàng thiết yếu, không thể cắt giảm.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay giá trứng gà bình ổn hiện vẫn giữ nguyên từ ngày 1-4 đến nay, ở mức 29.500 đồng/chục (loại 60 g/quả), thấp hơn giá thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/chục, tùy điểm bán.
"Giá trên chỉ áp dụng với các điểm bán hàng bình ổn được đăng ký, còn các điểm bán khác tự quyết định giá bán theo thị trường. Giá chênh lệch nhiều, khách hàng dịch chuyển vào các điểm bán hàng bình ổn giá khiến DN tham gia chương trình phải bù lỗ phần sản lượng tăng thêm so với kế hoạch. Hiện các điểm bán trứng trong diện bình ổn giá vẫn chưa giới hạn số lượng mua nhưng nếu tình hình này kéo dài thì DN khó đáp ứng hết nhu cầu" – ông Thiện lo lắng.
Theo ông Thiện, giá trứng tăng cao và kéo dài là do giá cám cho gà ăn tăng mạnh bởi tác động của xung đột Nga – Ukraine – thị trường cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, môi trường chăn nuôi rủi ro cao nên nhiều trang trại giảm đàn, vì thế lượng cung bị giảm khiến giá thành trứng tăng cao, ở mức từ 25.000 -26.000 đồng/chục.
Ông Trần Minh Khoa, chủ một trang trại gà tại Đồng Nai, dự báo giá trứng vẫn còn cao cho đến cuối năm do giá cám cao, người nuôi dè dặt trong việc tăng đàn. Do chi phí nguyên liệu tăng nên từ đầu tháng 4, các sản phẩm chế biến từ trứng của Vĩnh Thành Đạt cũng tăng 6% – 7%. Một DN chế biến thực phẩm khác cho hay chi phí sản xuất tăng từ năm 2021 và tăng giá nhẹ 5%-7% sau Tết Nhâm Dần nên đợt này sẽ giữ giá vì sức mua quá yếu.
Giá các loại hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa cũng tăng từ 1.000 đồng/lít và nhiều chương trình khuyến mãi chỉ còn 2% – 10%, không còn các chương trình khuyến mãi 30%-50% như trước.
Sức mua giảm
Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm Baka (chuỗi bán lẻ Bakafood), cho hay hiện sức mua trên thị trường rất yếu nên các nhà cung cấp không dám tăng giá. "Một số mặt hàng nhập khẩu tăng nhẹ dưới 10%, còn lại nhóm hàng đặc sản vùng miền vẫn giữ giá. Mặt hàng nào tăng giá nhưng bán được thì DN mới tăng" – ông Quốc Anh nói.
Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm Phạm Xuân Thành cho biết do hàng sản xuất từ Cà Mau, vận chuyển khó khăn, giá xăng dầu tăng khiến chi phí DN tăng nhưng DN vẫn "gồng" suốt từ đầu năm 2021 đến nay. "Với đặc điểm hàng tươi sống, đông lạnh nên DN không thể dùng các gói giao hàng tiết kiệm mà phải giao thẳng, DN phải chia sẻ cước vận chuyển với khách để giữ thị trường" – ông Thành bộc bạch.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực – thực phẩm TP HCM (FFA), cho rằng việc DN tăng giá hàng thực phẩm thời gian qua là bắt buộc khi mặt bằng giá thành đã tăng từ lâu. "DN cũng phải cân nhắc rất kỹ mức độ tăng giá để bảo đảm hài hòa lợi ích của DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, DN hội viên cần cung cấp hàng đầy đủ cho các kênh phân phối, tránh tình trạng để trống kệ hàng trong thời gian đàm phán giá mới sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng" – ông Dũng lưu ý.
Qua khảo sát các chợ bán lẻ tại TP HCM, lượng khách mua sắm thưa thớt, nhiều tiểu thương cũng không còn trữ hàng nhiều như trước vì lo ngại chợ ế. Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), cho biết lượng khách vào chợ hiện giảm khoảng 30% so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Giá cả hàng hóa tăng nhưng tiểu thương tăng giá nhẹ do sức mua ở chợ yếu. Tại các chợ Bà Chiểu (quân Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Hòa Bình (quận 5), lượng khách đến mua sắm cũng giảm tương tự.
Theo bà Hồ Kim Phụng – tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh – giá xăng dầu tăng đã tác động đến giá cả hàng hóa. Mối lái đã điều chỉnh giá hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển. Do đó, giá bán lẻ thực phẩm tại chợ cũng được điều chỉnh tăng khoảng 500 – 1.000 đồng/kg. Bà Phùng Thị Tâm, tiểu thương chợ Bà Chiểu, cho biết trước đây mỗi chuyến hàng chủ xe thu 240.000 đồng từ chợ đầu mối về thì nay tăng lên 300.000 đồng nên phải nâng giá bán để không lỗ.
Doanh nghiệp vận tải than lỗ
Các đơn vị vận tải hàng hóa tại TP HCM cũng than phiền về giá xăng dầu tăng phi mã đã tác động mạnh đến hoạt động vận tải của họ. Theo đó, chi phí xăng dầu tăng cao đã gây thiệt hại đáng kể, lợi nhuận giảm sâu, thậm chí mất cân đối thu – chi.
Ông Trương Chí Thăm, Giám đốc Công ty CP Vận tải Vĩnh Thành, cho biết chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành vận tải đến 30% – 40%. Do đó, DN vận tải buộc phải điều chỉnh giá tăng theo.
Tuy nhiên, do cạnh tranh nên DN buộc phải gồng mình chịu lỗ trước mà chỉ điều chỉnh tăng nhẹ 10%. Sắp tới, nếu giá xăng dầu vẫn không giảm, đơn vị vận tải sẽ tăng tiếp khoảng 5% để bù đắp. Ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HTX Xe du lịch và Vận tải số 4 (TP HCM), cho biết HTX cũng chưa thể điều chỉnh giá cước tăng tương ứng với giá xăng dầu mà chỉ tăng nhẹ khoảng vài % để giữ khách hàng, cũng như đang rơi vào mùa thấp điểm.
|
NGỌC ÁNH (theo NLĐ)
Bình luận (0)