Bộ Tài chính vừa có quyết định về việc tăng giá xăng thêm 2.000 đồng/lít từ 19.300 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít, bắt đầu từ 22 giờ ngày 29-3.
Từ 22h ngày 29-3, giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lit
Theo quyết định trên thì kể từ 22h ngày 29-3:
– Xăng tăng 2.000 đồng/lít (xăng RON 92 từ 19.300 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít);
– Điêzen tăng 2.800 đồng/lít (điêzen 0,05S từ 18.300 đồng/lít lên 21.100 đồng/lít);
– Dầu hoả tăng 2.600 đồng/lít (từ 18.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít);
– Madut tăng 2.000 đồng/kg (từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg).
Giá bán các chủng loại xăng, dầu khác tăng tương ứng với từng chủng loại xăng, dầu trên cùng thị trường.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Giá xăng dầu thế giới kể từ sau ngày các doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (ngày 24-2-2011) đến nay luôn dao động và tăng ở mức cao do tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi. Một số dự báo cho rằng giá dầu thô trong thời gian tới có khả năng tiếp tục tăng.
Giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước đến nay (28-3-2011) so với giá bình quân 30 ngày trước đó (từ ngày 13-/1-2011 đến ngày 11-02-2011) làm căn cứ để tính giá cơ sở xem xét điều chỉnh giá, thì giá thế giới đã tăng từ 12,63% – 17,29% tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu.
Theo như thông báo, do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng từ ngày điều chỉnh giá (24-2-2011) đến nay đã làm giá cơ sở tăng cao, giá bán trong nước hiện hành vẫn giữ ổn định nên kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn và chênh lệch giữa giá trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.800 đồng/lít đến 7.000 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.
Để giải quyết tình hình trên, trong khi đã áp dụng hết các giải pháp về tài chính khác (thuế nhập khẩu đã giảm về mức 0% và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết), vì vậy cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để giảm bao cấp một bước về giá xăng dầu và để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán nêu dưới đây.
Để giảm bớt tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu; trước mắt việc điều chỉnh giá chỉ tăng ở mức độ nhất định, chưa tính đủ các yếu tố hình thành giá; cụ thể như sau:
+ Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới trong thời gian của 30 ngày (từ ngày 27-/2-2011 đến ngày 28/3/2011) và đặc biệt trong những ngày gần đây;
+ Nhà nước tiếp tục giữ mức thuế nhập khẩu 0% với tất cả các mặt hàng xăng dầu;
+ Doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh.
+ Không tính lợi nhuận cho doanh nghiệp tại thời điểm điều chỉnh giá.
Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu như trên, so với giá các nước xung quanh thì giá xăng dầu của nước ta vẫn thấp hơn giá các nước lân cận (Lào, Trung Quốc, Campuchia) khoảng từ 2.300 đồng/lít – 5.000 đồng/lít.
Nếu tính đủ thuế và lợi nhuận cho doanh nghiệp thì mức điều chỉnh giá bán lần này mới chỉ bằng 34,73% đến 50,27% tổng mức giá phải điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu trên đây, trong thời gian tới: tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, cụ thể: nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước; nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).
Theo Tien Phong
Bình luận (0)