Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá xăng: Trong nước tăng nhanh hơn thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với hai đợt tăng giá trong hơn một tháng qua, người tiêu dùng phải trả thêm trên 1.000 đồng/lít xăng. Doanh nghiệp nói chưa tăng hết mức cho phép, nhưng trên thực tế giá xăng trong nước đã tăng nhanh hơn đà tăng của giá xăng thế giới.
Xăng tăng giá khiến nhiều người dân lo lắng. Trong ảnh: người dân đổ xăng trên đường Trương Định, Q.3, TP.HCM – Ảnh: H.T.VÂN
Chỉ trong vòng hơn một tháng xăng đã tăng giá hai lần, trong khi đó giá xăng nhập khẩu từ thị trường Singapore tăng không đáng kể. Dư luận đang đặt câu hỏi liệu giá xăng tăng vào thời điểm này có hợp lý?
Giải thích lý do tăng giá bán lẻ trong nước, các công ty cho rằng nguyên nhân chính là giá nhập khẩu leo thang cộng với tỉ giá tăng.
Lãi hay lỗ?
Không thể giảm thuế để tránh tăng giá
Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Bộ Tài chính đã ban hành khung thuế ứng với từng mức giá xăng dầu thế giới để doanh nghiệp chủ động cũng như đảm bảo thu ngân sách. Giảm thuế có thể được thực thi với mục tiêu kìm giá. Nhưng trước tết, ngày 1-2 đã giảm thuế cho dầu. Biện pháp giảm thuế chỉ được thực hiện trong những trường hợp hạn chế cần thiết và thời điểm này chưa đặt ra chuyện giảm thuế.

Tính từ lúc cơ chế kinh doanh xăng dầu thay đổi (nghị định 84 có hiệu lực từ ngày 15-12-2009), quyền tự quyết được trao cho doanh nghiệp (DN), giá bán lẻ mặt hàng xăng A92 đã tăng từ 15.950đ lên 16.990đ/lít. Nghĩa là giá mỗi lít xăng trong nước đã tăng trên 1.000 đồng, trong khi giá xăng nhập khẩu tại thị trường Singapore chỉ tăng khoảng 400đ/lít.

Người phát ngôn của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), phó tổng giám đốc Vương Thái Dũng cho rằng việc điều chỉnh trên là hợp lý so với thị trường thế giới.
“Chỉ tính riêng mặt hàng xăng, tại thời điểm tăng giá chúng tôi vẫn chưa có lợi nhuận. Nếu chiếu theo quy định của Nhà nước, chúng tôi chỉ mới tăng 75%. Nghĩa là chúng tôi có quyền tăng đến 10 đồng nhưng chỉ mới tăng 7,5 đồng vì còn tính đến yếu tố tác động xã hội chứ không thuần túy kinh tế”.
Một trong hai lý do chính được các DN viện dẫn khi tăng giá xăng lần này là do giá thế giới tăng. Nhưng tính từ lúc tăng giá xăng lần gần đây nhất (ngày 14-1) đến nay, giá nhập khẩu chỉ tăng chưa tới 1 USD, từ 82-82,5 USD/thùng. Nguyên nhân thứ hai được các DN nêu là do tỉ giá tăng trên 600 đồng/USD, được áp dụng từ ngày 10-2 nên đã đẩy giá xăng nhập khẩu lên cao. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, tỉ giá tăng 600 đồng chỉ đẩy giá thành xăng tăng khoảng 400đ/lít.
Chính vì thế, giám đốc một DN kinh doanh xăng dầu thừa nhận: “Thật ra chưa đến mức tăng 600 đồng mỗi lít xăng ở thời điểm này. Với mức chiết khấu cho các đại lý như hiện nay là 600đ/lít thì chúng tôi vẫn còn lãi 100đ/lít”. Cũng theo lãnh đạo DN đầu mối này, trường hợp sắp tới nếu giá xăng nhập khẩu tăng lên 85 USD/thùng thì DN kinh doanh xăng mới lỗ khoảng 200đ/lít.
Diễn biến giá xăng trong nước và thế giới thời gian gần đây – Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN – Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Chưa thể dùng quỹ bình ổn
Trước những thắc mắc về giá xăng vừa được điều chỉnh tăng khá mạnh và bất ngờ, bà Nguyễn Thanh Hương – cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính – khẳng định mức tăng vừa qua là hợp lý và chưa thể sử dụng quỹ bình ổn.
“Quỹ bình ổn được trích đến nay vẫn chưa đủ lớn. Tuy nhiên, theo quy định của nghị định về cơ chế điều hành giá xăng dầu mới thì chỉ khi xăng dầu tăng giá trên 7% hoặc có ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội thì cơ quan nhà nước mới cho DN trích quỹ bình ổn” – bà Hương nói. Cũng theo bà Hương, đợt tăng vừa rồi chỉ khoảng 3% nên DN được quyền tự quyết và không trích quỹ để bù.
Theo bà Hương, dù được quyền tự tăng giá mà không cần xin phép nhưng DN có phần lo ngại hơn trước kia bởi nếu sai, họ sẽ bị huýt còi, phải trích trả lại, phải bù… “Nên việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua là đúng quy định” – bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho rằng giá xăng trung bình trong 30 ngày qua cho thấy giá đã tăng khoảng 595đ/lít, các DN điều chỉnh tăng khoảng 590đ/lít là hợp lý, từng DN có mức tăng khác nhau không đáng kể. “Đáng ra ngày 2-2 DN đã có thể tăng giá, tuy nhiên đó là thời điểm ngay sát tết, có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân và giá cả hàng hóa dịp tết nên đã không tăng giá và thực tế có DN lỗ. Đến ngày 8-2 thì giá thế giới lại giảm. Đợt này DN không thể giảm vì khi giá thế giới tăng họ đã không tăng” – bà Hương giải thích.
LÊ NGUYÊN MINH – CẦM VĂN KÌNH / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)