“Người dân giữ nước mắm truyền thống ở Nam Ô không chỉ sản xuất ra sản phẩm để bán mà chúng tôi mong có thể giới thiệu đến thực khách muôn nơi về nét văn hóa tốt đẹp của làng quê mình. Ý tưởng cà phê mắm ra đời từ ý nghĩ đó và hy vọng có thể phát triển rộng hơn, để mỗi du khách khi đến đây, tham quan làng nghề, thưởng thức ly cà phê đặc trưng xứ biển sẽ nhớ mãi nơi này”, anh Bùi Thanh Phú – người đang hiện thực hóa ý tưởng trên bộc bạch.
Anh Phú và cộng sự giới thiệu cà phê mắm đến du khách trong Ngày hội di sản Đà Nẵng 2023
Hồn cốt mắm trong ly cà phê
Bùi Thanh Phú hẹn tôi vào chiều cuối tuần, khi anh trống tiết dạy ở trường. Anh đón tôi bên trong không gian xưởng làm nước mắm truyền thống của gia đình. Phú nói, nơi này nhiều năm qua là xưởng sản xuất nước mắm để anh nối nghiệp cha ông giữ nghề truyền thống, đồng thời cũng là không gian của hàng trăm tiết học trải nghiệm cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Bây giờ, không gian này có thêm hương vị mới: Hương vị cà phê mắm Nam Ô!
Phú bày ra bàn tách cà phê, châm thêm nước nóng rồi vào bếp, bắc chảo sên nước mắm. Loại nước mắm ngon được Phú sên trên chảo cô đặc dần, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn. Tầm mươi phút, tiếng đũa đảo đều, tiếng tí tách phát ra, nước mắm đã được cô đặc tạo thành những viên nhỏ vàng ruộm giống như muối. “Xong rồi đây!”, Phú nói và cho sản phẩm ra cốc sứ. Trở lại bàn, anh pha thêm sữa vào cà phê cho đúng khẩu vị của khách rồi khuấy đều tay. Chừng sữa và cà phê quyện đều vào nhau sóng sánh, Phú cho vào một ít hạt nước mắm.
Anh Bùi Thanh Phú tổ chức không gian trải nghiệm miễn phí cho học sinh tại làng xưởng nước mắm của gia đình tại Nam Ô
Tôi tò mò nhấp một ngụm nhỏ cà phê, nhâm nhi hương vị từ cổ họng. Cà phê đậm vị, một chút mặn và thơm, tuyệt nhiên không dậy mùi… nước mắm như tưởng tượng ban đầu. Gió từ biển thổi vào làng mang theo chút se lạnh, đủ để tận hưởng hương vị ngon và ấm từ ly cà phê. Phú say sưa kể về nghề truyền thống của cha ông, về rẻo đất Nam Ô bên bờ chân sóng, nơi ghi dấu nghề biển có hàng trăm năm, nơi dừng chân của Huyền Trân công chúa và những đền miếu, giếng nước đậm văn hóa Chăm Pa… “Người Nam Ô mừng vì quá trình quy hoạch, thành phố vẫn giữ làng nghề nước mắm truyền thống. Là người giữ nghề, sinh ra và lớn lên bên làng quê chân sóng này, tôi muốn mọi người không chỉ biết đến một Nam Ô có nghề nước mắm mà còn giàu truyền thống văn hóa. Muốn thế, mình phải tìm ra thứ gì đó đặc trưng để nhắc là nhớ”, anh Phú bộc bạch.
Anh Phú bảo, xa xưa các bà, các mẹ thường dùng nước mắm nhĩ cô đặc lại thành hạt như muối để dùng với cơm trắng vào những ngày biển động, không có cá, tôm. Dân gian truyền rằng, món ăn này làm ấm bụng và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí, xưa ngư dân còn mang theo trên những chuyến vươn khơi để phục vụ các bữa ăn. Đó là cơ sở để anh thử sức với cà phê nước mắm. “Tôi tin, đến Nam Ô, du khách ngoài việc tham quan, tìm hiểu nghề làm nước mắm, nếu được thưởng thức một ly cà phê mắm thì họ sẽ nhớ mãi, thấy chuyến đi của mình thêm phần thú vị”, anh Phú chia sẻ.
Để nước mắm Nam Ô đi xa
Anh Phú bảo, thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mọi thứ đều diễn ra rất nhanh. Giữ nghề truyền thống nếu chỉ ôm tư tưởng làm ra sản phẩm rồi bán đi thì khó có thể duy trì bền lâu. Muốn giữ nghề phải nâng tầm giá trị của sản phẩm truyền thống đó lên. Đó là lý do anh ấp ủ ý định phát triển chuỗi cà phê mắm tại làng nghề.
Mới đây, tại Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2023, cà phê mắm cũng được anh Phú và cộng sự trình diễn, giới thiệu đến du khách. Anh Phú chia sẻ: “Tuy việc giới thiệu chưa được rộng khắp vì thời gian hạn hẹp nhưng chúng tôi thu về những đánh giá rất khả quan. Đó là cơ sở để nghiên cứu cho ra công thức chế biến, đóng gói chuẩn hạt mắm làm nguyên liệu pha chế cà phê. Chúng tôi đang hướng đến việc mở một không gian cà phê mắm tại làng nghề và mở rộng dần ra trên địa bàn thành phố. Đà Nẵng là điểm đến du lịch, tôi tin, sản phẩm cà phê mắm sớm được mọi người biết đến”.
“Người làm nghề nước mắm truyền thống ở Nam Ô luôn mong có không gian để bố trí riêng khu sản xuất và khu trưng bày cho du khách trải nghiệm. Khi đến đây, du khách được nghe câu chuyện về làng nghề hàng trăm năm của người Nam Ô, vừa trải nghiệm công đoạn làm nước mắm và tự tay mình pha ly cà phê mắm để thưởng thức thì người làng nghề bên cạnh việc giữ nghề còn có thể sống được với nghề”, anh Bùi Thanh Phú nói.
|
Đau đáu với nghề truyền thống, bên cạnh việc sản xuất nước mắm, anh Phú còn tạo không gian trải nghiệm miễn phí cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Xưởng mắm trở thành bục giảng, anh Phú còn mời thêm các ngư dân có nghề làm nước mắm lâu năm, các bậc cao niên trong làng đến để kể về nghề làm nước mắm cũng như lịch sử mảnh đất bên bờ chân sóng này cho lớp trẻ nghe. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để các sinh viên hoàn thành bài báo cáo trong các buổi tham quan thực tế. “Chỉ cần được hỏi về Nam Ô, về nghề làm nước mắm là tôi thấy hạnh phúc rồi”, anh Phú bày tỏ.
Trong câu chuyện về hành trình giữ nghề, anh Phú vẫn đau đáu mong có một không gian đủ rộng để phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô. Quá trình phát triển, Đà Nẵng ưu tiên giữ làng nghề nhưng vẫn chưa có không gian đủ rộng như mong muốn của người làm nghề.
Phan Lệ
Bình luận (0)