Với tập khảo cứu Già ham sách – Mơ giấc mơ chữ nghĩa, “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” dành tình cảm chân thành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, văn học vùng đất Nam Bộ xưa và nay.
Bên cạnh địa hạt thơ và văn xuôi, nhà văn Trần Bảo Định còn cống hiến cho bạn đọc nhiều tập sách khảo cứu. Sau Phật tính dân gian Nam Bộ: Đôi điều suy ngẫm, Dấu thời gian – Khát vọng của người xưa, Lá rụng mùa – Mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam Bộ, Đọc thơ bạn – Thú thưởng ngoạn văn chương, Trần Bảo Định tiếp tục trình làng tập khảo cứu Già ham sách – Mơ giấc mơ chữ nghĩa. Tập sách vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp ấn hành.
Với tập khảo cứu Già ham sách – Mơ giấc mơ chữ nghĩa, “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” dành tình cảm chân thành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, văn học vùng đất Nam Bộ xưa và nay. Đó là những chia sẻ, đồng cảm của ông dành cho công trình Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam Bộ – đôi điều ghi nhận của phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Công Lý; Văn học Nam Bộ 1945-1954 do PGS, TS Võ Văn Nhơn chủ biên; Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ do PGS, TS Bùi Thanh Truyền chủ biên; Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Bộ trước năm 1932 của tiến sĩ
Phan Mạnh Hùng…
Bên cạnh những công trình chuyên chú văn học – văn hóa Nam Bộ, tác giả Trần Bảo Định còn quan tâm tìm hiểu những công trình nghiên cứu văn học nước ngoài. Điều đó cho thấy lối tư duy cởi mở và linh hoạt của nhà văn đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Qua đó, có lẽ bạn đọc cũng nhận ra phong cách khảo cứu của Trần Bảo Định: cá tính và tư duy rất đặc trưng, thậm chí có thể xem là cá tính văn hóa của người Việt ở Nam Bộ. Đó là cấu trúc tư duy động và mở.
Là tập sách khảo cứu về nhiều vấn đề học thuật nhưng Già ham sách vẫn có nét giản dị, thâm trầm và gần gũi. Đặc biệt, Trần Bảo Định sử dụng ngôn từ và giọng điệu khiêm nhường, giàu cảm xúc để thấu hiểu và đồng cảm với những tâm hồn văn chương. Hàn lâm và bình dân kết hợp trong trang viết của ông giúp cho bạn đọc nhận ra mối giao cảm tâm hồn giữa người viết và đối tượng. Như cách dùng từ giàu mỹ cảm của ông dành cho tập sách Gửi đây chút duyên tình đọc của PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân hay các bài viết của ông về tập sách Đi tìm mỹ cảm văn chương của PGS, TS Trần Hoài Anh; chuyên khảo Lý Thương Ẩn – Lan trong rừng vắng của PGS, TS Lê Quang Trường… Có thể nói, nhà văn Trần Bảo Định đã đặt mình ở vị trí của các nhà nghiên cứu để khai mở cuộc giao cảm văn chương. Cơ hồ, nghiên cứu với Trần Bảo Định vẫn tình cảm, mượt mà, gần gũi như tiếng nói tri âm.
Dường như lúc nào Trần Bảo Định cũng giữ mình ở vị thế người học trò cầu thị tri thức. Điều này bộc lộ tư duy ham học hỏi, tâm hồn yêu thích trau dồi kiến văn. Dù ở tuổi lão niên, ông vẫn không ngừng học hỏi và trau dồi hiểu biết với tiền bối, với người đồng trang lứa hoặc với thế hệ sau. Với ông, kiến văn chân chính là vô giá và ông vẫn hoài “mơ giấc mơ
chữ nghĩa”.
Đúng như tiêu đề Già ham sách – Mơ giấc mơ chữ nghĩa, Trần Bảo Định luôn giữ thái độ trân quý và khiêm nhường đối với những tấm lòng nỗ lực đóng góp cho nền văn chương và học vấn nước nhà. Không chỉ đối với các nhà nghiên cứu, các học giả trong tập sách này, tác giả còn trân quý giới trí thức nói chung với thành tựu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là ý thức trọng thị học vấn ông đã được trui rèn từ thời thơ ấu.
Trên hết, tinh thần “tôn sư trọng đạo” là nét đẹp đáng quý của tập sách này qua những chia sẻ của Trần Bảo Định về giáo sư Nguyễn Khắc Dương và giáo sư Nguyễn Văn Trung. Qua đó, ông bộc lộ phần nào tâm tư, khát vọng nâng cao nền học vấn và hoạt động nghiên cứu khoa học đương thời.
Theo Võ Quốc Việt/PNO
Bình luận (0)