Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giấc mơ đã tròn

Tạp Chí Giáo Dục

Đứa bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

Vừa qua, tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, ba cặp vợ chồng hiếm muộn ở Đà Nẵng hạnh phúc vỡ òa khi đón đứa con đầu lòng – ba đứa trẻ đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện này…
Bước ra từ phòng mổ, BS. Huỳnh Kim Quang, Trưởng phòng Sản khoa – người trực tiếp thực hiện ca mổ trên phấn khởi cho biết: “Tôi từng thực hiện hàng trăm, thậm chí cả ngàn ca mổ sinh, mỗi lần đưa các cháu chào đời an toàn là tôi thấy vui lắm. Nhưng cảm giác lần này thật khó tả, giống như giây phút chính mình đón đứa con đầu lòng của mình chào đời vậy!”. Còn GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Hosrem (đơn vị hỗ trợ Khoa Hiếm muộn cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm) không giấu được niềm vui: “Cái cảm giác này làm cho tôi nhớ lại cảm giác cách nay 17 năm khi mà lần đầu tiên Việt Nam có trung tâm điều trị hiếm muộn, đón đứa trẻ đầu tiên chào đời”.
BS. Huỳnh Kim Quang cho biết, ba cháu bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm lần này gồm 2 bé gái và 1 bé trai, là con của ba cặp vợ chồng ở Đà Nẵng, người lớn tuổi nhất sinh năm 1974, và đã hiếm muộn từ hơn 4 năm. Các cháu đều có sức khỏe rất tốt, cân nặng từ 3kg trở lên. Ngay sau khi các bé chào đời đã được đưa lên áp vào lồng ngực người mẹ, thực hiện biện pháp “da tiếp da”. Theo đánh giá của BS. Quang, biện pháp “da tiếp da” nhằm ổn định thân nhiệt cho đứa trẻ đồng thời người mẹ cũng có tinh thần tốt hơn khi ngay từ giây phút đầu tiên được ôm ấp con mình.
TS.BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết: “Hiện, bệnh viện chúng tôi là đơn vị thứ 19 của cả nước và thứ 2 của khu vực miền Trung – Tây Nguyên thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các bệnh nhân hầu hết ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, có trường hợp ở Hà Nội, và xa hơn là cặp vợ chồng ở Indonesia…”. BS. Phượng chia sẻ: “Mong ước, tâm nguyện lớn nhất của tôi là mỗi tỉnh đều có một trung tâm để cho các cặp vợ chồng vô sinh không phải tốn kém trong việc đi xa, ở xa nhà lâu ngày”. Để giảm bớt chi phí cho bệnh nhân nghèo, BS. Phượng chia sẻ: “Theo tôi, nên đưa điều trị hiếm muộn vào chương trình bảo hiểm y tế, có thể trọn gói hoặc khi các cặp vợ chồng bắt đầu tổ chức cưới nên đóng tiền vào bảo hiểm y tế để phía bảo hiểm có thể hỗ trợ một phần khi thực hiện chữa trị hiếm muộn. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, bảo hiểm y tế đều có hỗ trợ này”.
Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ SK BM&TE cũng nêu quan điểm: “Chúng tôi cũng muốn đề nghị phía bảo hiểm y tế có gói bảo hiểm sinh sản trọn gói, hoặc có thể cắt đoạn gói nhỏ. Tìm cách thức nào phù hợp nhất để các cặp vô sinh hiếm muộn được hỗ trợ. Bên cạnh đó người dân cần có sự đóng góp, như mua bảo hiểm định kì… thể hiện trách nhiệm của người thụ hưởng”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)