Trường đang đấm lưng cho bà ngoại |
Có những lúc tưởng chừng phải nghỉ học, nhưng được sự yêu thương đùm bọc của gia đình, Nguyễn NhậtTrường-lớp 6 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh đang từng ngày dệt giấc mơ cho riêng mình. Giấc mơ về những điểm 10 đỏ thắm…
1. Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo bên hông khu chung cư Nam Long (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh) là tổ ấm của gia đình Trường. Trong căn nhà ấy, vật chất ít bao nhiêu thì tình thương nhiều bấy nhiêu…
Khi Trường mới hơn 4 tháng tuổi thì ba mẹ li dị, thế là hai mẹ con khăn gói về tá túc ở với bà ngoại tại xóm lao động nghèo này cho đến ngày hôm nay. Ngôi nhà ngoại vốn đã chật, càng chật hơn khi có thêm hai mẹ con Trường về ở.
7 người lớn và 3 đứa trẻ trong căn nhà cấp 4 chỉ có 40 m2 nên đi ra đi vào cứ đụng nhau hoài. Thương cho hoàn cảnh của cháu sớm “mồ côi” cha nên bà ngoại dành cho Trường một góc làm góc học tập. Ở đấy, khi Trường học thì kê chiếc bàn xếp vào nhưng khi đêm xuống, khoảnh đất ấy là “giường ngủ” của hai mẹ con em. Có những đêm đang ngủ Trường phải thức giấc khi nước tràn vào nhà làm hai mẹ con ướt như chuột lột.
Dù được ông bà ngoại chăm sóc, các cậu dì thương yêu đùm bọc, nhưng do gia cảnh ngoại quá nghèo, đã vậy ông bà lại thường xuyên bệnh tật nên Trường luôn nhường bữa sáng cho các em (em con cậu). Thỉnh thoảng em còn nhịn ăn, nói là “để dành tiền mua thuốc cho ngoại”. Chuyện ăn sáng qua loa từ lâu đã không còn lạ đối với em. Và cứ thế tuổi thơ của Trường lớn lên trong tình cảnh thiếu thốn, thiếu về vật chất lẫn tình thương của cha. Thế nhưng em không hề nản chí, em nói: “Những nhân vật chính trong truyện cổ tích bắt đầu khi nào cũng nghèo khổ”…
2. Cầm trên tay xấp vé số ướt nhẹp, chị Lê Minh Lý – mẹ của Trường ngồi bệt xuống nền nhà. Sau hàng chục giờ đồng hồ lội bộ, đôi chân của chị rã rời. Ngồi nghỉ mệt nhưng chị vẫn miên man suy nghĩ về việc mua bán ế ẩm của mấy ngày hôm nay, hầu như ngày nào cũng phải mang vé về. Đi bán cả ngày xem như công cốc, ngày mai không biết phải lấy tiền ở đâu chi tiêu.
Do không có nghề nghiệp nên ai gọi gì chị cũng làm, từ rửa chén quán cơm cho đến bưng bê, hễ ai gọi là chị đều có mặt, miễn là kiếm được tiền để nuôi con ăn học. Vất vả là thế, nhưng vẫn không đủ trang trải chi phí trong nhà, chị đành vay tiền của mấy người em “sắm” cho mình chiếc xe đẩy rồi đi bán nước ở Bến xe Miền Đông. Bán chẳng được bao lâu, chị đành phải bỏ nghề do bị cấm. Không biết phải làm gì chị đành đi bán vé số dạo. Có những lúc chị tuyệt vọng, muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến con chị lại cố gượng dậy. Chị Lý tâm sự: “Nhiều lúc buồn tủi, nhưng biết làm sao được, cố gắng cho đứa con ăn học nên người là tôi mừng rồi”.
Và mỗi buổi sáng thức giấc, chị lấy vé số rồi đi bán khắp đường to, hẻm nhỏ. Mỗi ngày, chị chỉ nhìn được mặt con vào buổi tối, việc đưa rước con đi học chị đành trông cậy vào người em.
Cuộc sống khó khăn, suốt ngày phải dãi nắng dầm mưa, khiến chị già đi chục tuổi. Tuy mới 30 tuổi nhưng nhìn chị ai cũng nghĩ đã ngoài tứ tuần – người gầy nhom, hàm răng rụng gần hết…
3. Bà ngoại của Trường đưa chúng tôi xem xấp giấy khen được gói kỹ trong nhiều bọc nilon, chắc rằng đó là những thứ mà hai bà cháu quý nhất trong nhà. 5 năm học tiểu học là 5 năm Trường đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm học lớp 3, lớp 4, Trường đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Và mới đây em còn được nhận học bổng “Nguyễn Thái Bình” do Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng.
Ở trường – Trường là một học sinh giỏi, ở nhà – em là một đứa con ngoan, hiếu thảo. Hằng ngày, em giúp gia đình làm việc nhà như lau nhà, tự giặt quần áo, phụ dì nấu cơm. Những lúc học xong thì “giải trí” bằng việc đấm lưng, bưng nước cho bà, cùng vui đùa hướng dẫn em học bài.
Ở Trường luôn có một niềm tin là “ở hiền sẽ gặp lành” như trong chuyện cổ tích. Và Trường đang nuôi ước mơ của mình bằng những điểm 10 đỏ thắm.
Thái Khuê
Bình luận (0)