Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giấc mơ khởi nguồn từ trí tưởng tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn ra trên một sân trường, ở một góc phố nghèo của người lao động… nhưng có thể nói chưa có sân khấu nào của Festival Huế 2010 lại sinh động như "sân khấu" của các nghệ sĩ đoàn Le Siphon Cosmique (Pháp).

Đoàn phim hoạt hình của Siphon Cosmique tại chợ Tây Lộc (Huế) sáng 7-6 – Ảnh: Uyên Ly

Buổi sáng 7-6, những người bán hàng ở chợ Tây Lộc (thành phố Huế) tò mò quan sát một nhóm người xuất hiện trước cổng chợ với một chiếc xe đẩy bé xíu, trên đặt một laptop, một camera ghi hình, một hệ thống loa được lắp đặt đơn giản. Cyril – một thành viên trong nhóm – chạy tới chạy lui mướt mồ hôi trước camera để sắp đặt chiếc nón Huế ở nhiều vị trí khác nhau. Ðứng trước camera là đạo diễn Marc Menager. Marc liên tục hô to: "Ðược rồi, bấm máy nhé! Ðược rồi, bấm máy nhé!". Dần dần, một đám đông tò mò bao vây xung quanh họ.

Tạo nên sự chuyển động từ các hình ảnh tĩnh được kết nối liên tục với nhau, 20 phút sau một đoạn phim hoạt hình ngắn về chiếc nón kỳ diệu đã hoàn thành. Trong phim, chiếc nón chạy lòng vòng như một chú chuột tinh nghịch trước cửa một kiốt trong chợ, sau đó từ chiếc nón bỗng hiện ra một vũ công xinh đẹp nhảy múa với cây gậy. Nhiều người bán hàng ở chợ, các bác xe ôm, người bán vé số cùng cười vang khi xem đoạn phim.

Làm phim hoạt hình chỉ là một trong nhiều công đoạn sáng tạo của Siphon Cosmique. Vào buổi tối, khi chương trình biểu diễn chính thức bắt đầu, các đoạn phim hoạt hình ngắn do nhóm làm phim thực hiện được trình chiếu. Sau đó là các màn nhảy múa, ca hát, kịch với sự tham gia của 30 sinh viên và học sinh tiểu học ở Huế. Các tiết mục đều ngắn gọn, bất ngờ và vô cùng hài hước khiến hàng trăm khán giả nhỏ tuổi tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Huế) vào tối 7-6 hò reo thích thú. Khán giả chạy theo diễn viên, còn diễn viên len lỏi giữa đám đông khán giả.

Không chỉ có vậy, các nghệ sĩ đã tận dụng các vật liệu sẵn có của địa phương để làm đạo cụ biểu diễn. Những chiếc thùng xe, xe máy cày, rất nhiều nhạc cụ, các đồ vật nhỏ để làm phim hoạt hình… tất thảy đều được chế tạo hoặc được mượn tại địa phương.

"Màn pháo hoa" của những ý tưởng sáng tạo ấy là kết quả của một tháng ròng rã làm việc giữa nhóm nghệ sĩ với các sinh viên ngành sư phạm nghệ thuật, Ðại học Nghệ thuật Huế và học sinh các trường tiểu học nơi nhóm đến biểu diễn. Cả hai bên đều học được những điều thú vị. Các nghệ sĩ Pháp dạy vũ đạo cho sinh viên, dạy các em nhỏ làm phim hoạt hình. Và chính khả năng sáng tạo của các em nhỏ đã gây ngạc nhiên cho các nghệ sĩ Pháp.

Nhưng trên tất cả, thế giới sáng tạo của Siphon Cosmique là để dành cho khán giả với một thông điệp giản dị. Giám đốc nghệ thuật của chương trình, anh Philippe Delaitre giải thích: "Siphon Cosmique theo thiên văn học có nghĩa là hố đen. Chúng tôi muốn mời khán giả đến thăm hố đen của chúng tôi. Trong hố đen, chúng ta có thể mơ mộng như những đứa trẻ đi trốn thế giới náo động bên ngoài.

Với nghệ sĩ chúng tôi, Siphon Cosmique còn có nghĩa là "vương quốc chống lại chủ nghĩa vật chất". Ðể làm chương trình biểu diễn, chúng tôi tận dụng các vật liệu đơn giản sẵn có tại chỗ và trí tưởng tượng của chính mình. Chẳng phải mọi giấc mơ khởi nguồn từ trí tưởng tượng hay sao".

UYÊN LY (Theo TTO)

Bình luận (0)