Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

“Giấc mơ Mỹ”

Tạp Chí Giáo Dục

Đinh Huỳnh Thảo Phương (trái), cựu du học sinh Trường ĐH Stanford

Trước khi du học, nhiều người nghĩ ra những viễn cảnh thật tuyệt vời về cuộc sống nơi mình sẽ đặt chân tới. Tuy nhiên, nếu mơ mộng hay ảo tưởng quá nhiều, họ sẽ bị “vỡ mộng” và phải đối mặt với vô vàn khó khăn mà trước đó không lường tới.

Giáo dục TP.HCM xin chia sẻ ý kiến của bạn Đinh Huỳnh Thảo Phương, cựu du học sinh Trường ĐH Stanford về những khó khăn mà du học sinh sẽ trải qua nếu học ở Mỹ.

Một nước Mỹ không hào nhoáng

Nhiều người biết đến Mỹ chủ yếu qua phim ảnh với những hình ảnh thật đẹp, hào nhoáng và hiện đại như cầu Golden Gate nổi tiếng thế giới ở San Francisco, những tòa nhà quyền uy ở Washington DC… Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của nước Mỹ. Phần còn lại – trong đó có nơi bạn sẽ học – không hào nhoáng, lộng lẫy và choáng ngợp như vẫn tưởng. Phần lớn các trường ĐH của Mỹ được đặt tại những khu vực nông thôn khá hẻo lánh, xa trung tâm, nên xung quanh khá vắng vẻ. Nếu bạn đang sống ở Hà Nội hay TP.HCM mà phải sang những thành phố nông thôn này, thì chắc chắn bạn sẽ “vỡ mộng” vì sự hạn chế về phương tiện công cộng, muốn mua đồ ăn hay chợ búa đều phải đi rất xa. Và vào mùa đông thì vô cùng chán ngán vì lạnh và… tuyết.

Du học sinh không chịu được áp lực học hành

Chắc hẳn ai cũng biết chương trình học ở nước ngoài rất nhẹ nhàng và sát với thực tế? Nếu tin vào điều này, bạn sẽ “vỡ mộng” thêm lần nữa vì các trường ĐH chuẩn (những trường được kiểm định chất lượng) có những đòi hỏi khá khắt khe với sinh viên, trường càng có xếp hạng cao, nổi tiếng thì đòi hỏi càng khắt khe hơn.

Một lưu ý dành cho những ai có ý định du học là nên chọn những trường phù hợp với khả năng học tập, có xếp hạng cao về ngành học cụ thể (chứ không phải tên trường) vì một sự thật là sức ép ở các trường ĐH nổi tiếng là rất lớn, trường hợp sinh viên tự tử do sức ép học tập là chuyện không còn xa lạ. Báo chí Mỹ hàng năm đăng tải những vụ sinh viên tự tử tại các trường ĐH lớn. Việc học ĐH và cao học ở Mỹ rất vất vả, khổ nhất là phải đọc rất nhiều mà toàn là sách tiếng Anh. Nếu không có kỹ năng đọc lướt để lấy ý chính, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành bài đọc mà giáo sư giao mỗi tuần vài trăm trang sách. Mỗi môn học, giáo sư sẽ yêu cầu phải đọc từ 2-5 cuốn sách nên nếu chỉ ngồi chăm chú đọc, sinh viên sẽ không đọc hết được lượng sách yêu cầu. Và trên thực tế, cảnh sinh viên người Việt phải khăn áo quay về vì không chịu nổi áp lực học hành là chuyện không phải hiếm ở đất nước này.

Sốc văn hóa

Đây là chuyện muôn thuở được du học sinh nhắc đến với những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi bị cướp, trấn lột… Thực tế là khi đi du học, bạn sẽ biết được những cú sốc văn hóa khác như cảnh đấu súng ngoài đời giống… như phim hành động, người già phải sống trong các viện dưỡng lão dù con cái họ khỏe mạnh và giàu có; hay chuyện những người Mỹ được học hành đàng hoàng nhưng phải đứng ăn xin ở hè phố, phải sống bằng tem phiếu trợ cấp của Chính phủ…

Một vấn đề lớn nữa là nếu không chuẩn bị tinh thần, bạn sẽ dễ rơi vào trầm cảm khi bị phân biệt chủng tộc – một vấn đề có tính lịch sử ở nước Mỹ. Thời gian đầu sang đây, tốt nhất là gặp ai bạn cứ nói bằng tiếng Anh, tránh những va chạm, cãi vã không cần thiết để được an toàn.

Làm thêm: Không dễ dàng

Lời khuyên chân thành mà hầu hết du học sinh dành cho những ai muốn du học là chỉ nên đi khi đủ tài chính vì việc làm thêm rất khắc nghiệt. Do trường nằm ở vùng nông thôn, hẻo lánh nên những công việc làm thêm như dọn phân trong trang trại chăn nuôi, nhặt táo, hái dâu, cào tuyết đều dành cho sinh viên quốc tế (người Mỹ không làm). Những công việc khác như trợ lý giảng dạy (TA) hay trợ lý nghiên cứu (RA) cho giáo sư để được trả lương hàng tháng và dùng vào trang trải sinh hoạt phí như thuê nhà, ăn uống, đi lại cũng không êm đẹp như người ta tưởng. Cứ thử hình dung, bạn đi học cả ngày, rồi về phải chấm bài cho giáo sư, chuẩn bị đề thi, soạn giáo trình… thì còn sức đâu mà học nếu không cố gắng gấp 2 lần người khác. Những công việc khác như bưng bê, lau dọn trong các nhà hàng, quán cà phê cũng không hề dễ kiếm vì thường ưu tiên cho sinh viên người Mỹ. Cứ mải loay hoay với tài chính, việc học hành sa sút, nợ môn là thực trạng thường thấy ở những sinh viên du học tự túc.

Đường về không rải thảm hoa

Rất nhiều bạn có suy nghĩ rằng sau khi du học về (nhất là những trường có tiếng) sẽ được trọng dụng, làm việc ở vị trí mà nhiều người mơ ước. Thực tế ngược lại, nhiều bạn khi về nước phải chật vật để tìm được việc làm với mức lương chỉ đủ tiền xăng xe đi lại, cơm nước qua ngày. Nhiều công ty tại Việt Nam vẫn ngại tuyển người từng du học vì một lý do: Thiếu kinh nghiệm tại Việt Nam nên không hiểu, không phù hợp với văn hóa người Việt. Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tế vì đã có rất nhiều người đi du học về nước với tư tưởng “nửa chợ, nửa quê”, làm ở Việt Nam nhưng lại muốn áp dụng cách làm việc của người Mỹ khiến nhà tuyển dụng… ngán. Do đó, trước khi đi du học bạn phải lường trước được những diễn biến xấu có thể xảy ra để tránh hụt hẫng sau này.

Linh Vy (ghi)

Việt Nam xếp thứ 9 về số du học sinh ở Mỹ

Theo báo cáo Open Doors 2015 về giáo dục quốc tế vừa công bố, số sinh viên quốc tế ở các trường ĐH, CĐ tại Mỹ đạt mức tăng cao nhất trong 35 năm qua (tăng 10%), đưa số sinh viên quốc tế ở Mỹ trong năm học 2014-2015 lên gần 1 triệu. Đứng sau Mỹ về số lượng sinh viên quốc tế là Anh quốc. Theo thống kê, năm học 2014-2015, số sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường ĐH, CĐ ở Mỹ cao hơn năm rồi 88.874. Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil là những quốc gia có tỷ lệ du học sinh tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ tăng 11% với 304.040 sinh viên; Ấn Độ tăng 29,4% với 132.888 sinh viên; Brazil tăng 78% với 23.675 sinh viên.

Trong khi đó, năm học 2014-2015, Việt Nam có 18.722 sinh viên học tại Mỹ (tăng 12,9% so với năm học rồi). Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9 về số lượng du học sinh ở Mỹ, phần lớn chọn bậc ĐH (năm học 2014-2015 có 66,5%);15,7% sau ĐH; 9,4% học các bậc khác; 8,4% thực tập không bắt buộc (OPT).

Được biết, báo cáo Open Doors được công bố thường niên bởi Viện Giáo dục quốc tế (IIE), là sự phối hợp giữa viện này và Cơ quan phụ trách mảng giáo dục – văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ.

N.Thảo (theo IIE)

 

Bình luận (0)