Đối với nhiều người Mỹ, cuộc đời và sự nghiệp của Obama cho đến giờ phút trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ là một ví dụ tiêu biểu cho các giá trị Mỹ, cho “giấc mơ Mỹ” – một khái niệm tưởng như đã chết.
Chỉ chưa đầy hai năm trước, cái tên Barack Obama – một thượng nghị sĩ còn “non choẹt” của bang Illinois – chỉ là một chấm sáng nhỏ nhoi trên màn hình rađa chính trị Mỹ. Nhưng nay, hàng chục triệu người Mỹ, từ da trắng đến da đen, gốc Latin đến gốc Á, đã đặt trọn niềm tin của họ và cả tương lai nước Mỹ vào tay chính trị gia gốc Phi 47 tuổi này.
Tuổi thơ sóng gió
Obama không xuất thân từ một thế gia vọng tộc như Tổng thống George Bush hay nhiều tổng thống Mỹ trước đó. Thậm chí có thể nói Obama đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, chia ly. Obama sinh ra tháng 8-1961 tại Honolulu, Hawaii. Bố ông là ông Barack Hussein Obama, người làng Kogelo ở tỉnh Nyanza, Kenya; còn mẹ là bà Ann Dunham, người Mỹ da trắng đến từ Wichia, bang Kansas. Họ gặp nhau khi học ĐH Hawaii ở Manoa và quyết định đi đến hôn nhân. Điều đáng nói là thời kỳ này nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ vẫn còn rất nặng nề, đến nỗi cho tới tận năm 1967 nhiều bang ở Mỹ vẫn còn cấm hai người khác chủng tộc kết hôn.
Cuộc hôn nhân của cha mẹ Obama đổ vỡ khi ông mới 2 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình học tại Mỹ, cha Obama trở về Kenya. Cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn do nghèo và tật nghiện rượu. Năm 1982, ông qua đời trong một vụ tai nạn ôtô. Kể từ khi ly dị vợ đến lúc qua đời, ông Obama bố chỉ về gặp con trai duy nhất một lần vào năm 1971. Mẹ Obama tái hôn với một người gốc Indonesia và cả gia đình chuyển đến Indonesia vào năm 1967. Obama học tại các trường tiểu học ở Jakarta, nơi chỉ giảng dạy bằng tiếng Indonesia. Lên 10 tuổi, Obama về Hawaii sống với ông bà ngoại.
Quá khứ không mấy êm đềm và nguồn gốc rất khác biệt so với các bạn da trắng cùng lứa trong trường trung học có lúc đẩy chàng trai trẻ Obama vào khủng hoảng. Trong cuốn tự truyện Giấc mơ của cha tôi (Dreams from my father – 1995), Obama thú nhận thời trung học ông từng uống rượu, hút cần sa, thậm chí chơi cả heroin để “đẩy ra khỏi đầu câu hỏi tôi là ai”. Ông viết: “Một kẻ nghiện ngập. Đó là con đường mà có thể tôi đã sa chân vào: vai trò cuối cùng, chí tử của một người đàn ông da đen trẻ tuổi”. May mắn là Obama đã bỏ được rượu và thuốc. Sau trung học, Obama chuyển tới Los Angeles và nhập học tại ĐH Occidental. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Barack Obama sẽ có một tương lai tươi sáng.
Bước ngoặt
Bất ngờ vào một ngày tháng 2-1981, chàng sinh viên 19 tuổi Obama đã làm một điều thay đổi cả cuộc đời của chính mình. Anh đọc một bài phát biểu trong cuộc biểu tình của sinh viên Trường Occidental chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi. Khi đó, phần lớn sinh viên Occidental là người da trắng. Bài phát biểu của Obama nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đám đông theo dõi.
“Anh ấy cực kỳ điềm tĩnh trong màn tranh luận khiến tôi nghĩ rằng sau bài phát biểu đó, chắc hẳn phải có rất nhiều người tự hỏi anh chàng này là ai, và tại sao chúng ta chưa từng nghe tiếng anh ấy?” – bà Rebecca Rivera, một bạn cùng lớp của Obama, hồi tưởng. Trong tự truyện, Obama cho biết bài diễn thuyết tại ĐH Occidental hôm đó dường như đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của ông. “Tôi biết rằng đã có một sự kết nối nào đó. Tôi thật sự muốn đứng trên đó, lắng nghe tiếng mình dội về phía thính giả, và họ đáp lại bằng những tràng pháo tay. Tôi còn rất nhiều điều muốn nói”.
Ngay sau đó Obama quyết định dấn thân vào con đường chính trị. Ông chuyển đến ĐH Columbia tại New York để học chuyên về khoa học chính trị. Sau bốn năm ở New York, Obama chuyển đến Chicago, bang Illinois và làm việc với vai trò nhà tổ chức hoạt động cộng đồng trong vài năm. Cuối năm 1988, Obama bắt đầu vào học tại Trường luật Harvard. Cuối năm thứ nhất, với điểm số xuất sắc, Obama được nhận vào làm biên tập viên tạp chí Harvard Law Review nổi tiếng của trường, và trở thành người gốc Phi đầu tiên được bầu làm chủ nhiệm tờ tạp chí. Trở nên nổi tiếng, Obama được Trường luật ĐH Chicago mời chào và đến năm 1992 ông bắt đầu dạy luật hiến pháp tại đây.
Trong năm1992, Obama đã ghi dấu ấn đầu tiên trong quá trình hoạt động chính trị non trẻ của mình trong việc điều hành hoạt động của Project Vote, tổ chức thu hút cử tri thu nhập thấp và thuộc các chủng tộc khác nhau vào quá trình dân sự. Từ tháng tư đến tháng mười, chiến dịch do Obama lãnh đạo đã thu hút được 400.000 người gốc Phi đi đăng ký làm cử tri trong bang Illinois. Obama cũng rất thành công trong hoạt động gây quỹ cho Project Vote. Thông qua việc gây quỹ, Obama tiếp xúc với nhiều nhân vật quyền lực ở Chicago, sau này trở thành những người ủng hộ ông.
Bài phát biểu thứ hai
Năm 1993, Obama gia nhập Hãng luật Davis, Miner, Barnhill & Galland nổi tiếng ở Chicago. Ông Judson Miner, giám đốc hãng luật, vô cùng kinh ngạc trước khả năng tư duy và lôi kéo người khác vào tranh luận của Obama. “Đó là một người luôn quan tâm đến việc tạo ra tác động – ông Miner kể – Cậu ta luôn vật lộn với câu hỏi làm thế nào để trở nên hiệu quả nhất? Với tư cách luật sư? Với các vai trò khác?”.
Năm 1996, Obama tranh cử Thượng viện Illinois và giành thắng lợi, sau đó tái đắc cử vào năm 1998, rồi 2002. Đến giữa năm 2002, Obama bắt đầu vận động tranh cử vào Thượng viện Mỹ và thắng lợi trong cuộc bầu cử 2004. Tháng bảy năm đó, trong cuộc hội nghị quốc gia của đảng Dân chủ ở Boston, Obama đã viết và đọc một bài phát biểu vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp của ông. Trong bài phát biểu, Obama đặt câu hỏi về sự hiệu quả của chính quyền Bush trong cuộc chiến Iraq, và kêu gọi người Mỹ tìm sự thống nhất trong sự đa dạng. Ông dẫn chính cuộc đời và sự nghiệp của mình để chứng minh sự tồn tại của “giấc mơ Mỹ”: xuất thân từ một gia đình thuộc chủng tộc thiểu số, nhưng vẫn vươn lên đạt thành công trong sự nghiệp.
Bài phát biểu của Obama được các thành viên đảng Dân chủ nhiệt liệt hoan nghênh và đảm bảo thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử thượng viện. Không chỉ vậy, bang Illinois và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bắt đầu tính đến chuyện Obama có thể trở thành ứng cử viên tổng thống năm 2008. Và ông đã hiện thực hóa được “giấc mơ Mỹ” của mình vào ngày 4-11.
Indonesia ăn mừng chiến thắng của Obama Việc ông Obama trở thành tổng thống Mỹ thứ 44 là niềm tự hào của người dân Indonesia bởi dù sao đây cũng là nơi ông đã từng gắn bó một quãng đời tuổi thơ. Một đám đông khoảng 200 người, trong đó có những bạn học cũ của ông Obama, đã tụ họp và ăn mừng chiến thắng của ông tại thủ đô Jakarta. “Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào về ông”, Dewi Asmara – một bạn học cũ của ông Obama, nói. Một số khác cho biết họ vui vì mối liên kết giữa tân tổng thống Mỹ với Indonesia: “Dù sao ông ấy cũng đã sống bốn năm ở đây”. Các thầy cô giáo cũ của Obama cũng chúc mừng cho đứa học trò mê vẽ nhân vật truyện tranh ngày nào giờ đã trở thành tổng thống Mỹ. Trước đó, hàng trăm học sinh cũng đã tụ tập tại trường học cũ của ông Obama để cầu nguyện cho chiến thắng của ông. “Em ủng hộ 110% cho ông Obama”, một học sinh lớp 6 nói. Thị trấn Obama Một làng Nhật Bản đã linh đình tổ chức ăn mừng chiến thắng của tân Tổng thống Mỹ Obama bởi một điều hết sức đơn giản: thị trấn này cũng mang tên Obama. Việc chuẩn bị cho buổi tiệc đã được tiến hành từ trước và chỉ ngay sau khi kết quả được công bố, cả thị trấn dường như bùng nổ với hàng trăm người hô to khẩu hiệu: “Obama”. Người ta đổ ra đường nhảy điệu Hula truyền thống của Hawaii – nơi ông Obama sinh ra hoặc diện những chiếc áo in dòng chữ: “Tôi yêu Obama” trong một bữa tiệc kéo dài nguyên ngày. Việc ăn theo cũng diễn ra tại các cửa tiệm khi người ta bày bán những món hàng từ bánh hamburger, bánh hấp đến cả đũa, tất cả đều mang tên Obama. Theo tiếng Nhật, Obama có nghĩa là “vùng biển nhỏ”. Mong ước lớn nhất của những người dân thị trấn là sẽ được đón tiếp tân tổng thống Mỹ tại đây hoặc đến Nhà Trắng để nhảy điệu Hula chúc mừng ông. Tưng bừng tại quê hương Kenya Ngôi làng Kogelo phía tây của tỉnh Nyanza, Kenya, nơi cha ông Obama ra đời, đã vui mừng không kể xiết trước chiến thắng của người đồng hương da đen Obama. Hàng trăm người tụ tập trước màn hình hiển thị kết quả bầu cử đã nhảy múa, ôm hôn và tung hô bài hát: Chúng ta đi đến Nhà Trắng. Người ta vui mừng như nhìn thấy chính mình trong hình ảnh vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Bà nội Sarah đã 87 tuổi và những người họ hàng của tân tổng thống Mỹ cũng tham gia ăn mừng chiến thắng này. “Suốt đêm chúng tôi không ngủ. Bây giờ tôi không biết phải nói gì, điều này quá tuyệt vời”, chị Biosa Obama nói. Tổng thống Kenya đã tuyên bố ngày tổ chức lễ hội quốc gia vào 6-11 để chúc mừng ông Obama. TRẦN PHƯƠNG (Theo Reuters) |
HIẾU TRUNG tổng hợp (TTO)
Bình luận (0)