Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giấc mơ người lớn, ác mộng con trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học rèn chữ đẹp tại Nhà Thiếu nhi thành phố

Đến hẹn lại lên, các cô cậu học trò vừa nghỉ hè là phụ huynh đã “tống” các em vào nhà thiếu nhi để “luyện” tài năng. Kết quả sau gần 3 tháng “luyện” trong “lò”, các bé trở thành những “con gà công nghiệp”…
3 tháng như 1 ngày
Nghỉ hè được đúng 3 ngày (từ 29 đến 31-5), ngày 1-6 bé Quỳnh Giao (học sinh lớp 1 Trường Tiểu học T.H.Đ., Q.1) đã “bị” mẹ “dẫn độ” vào Nhà Thiếu nhi Q.1 để học năng khiếu. Với mong muốn sau này Quỳnh Giao lớn lên sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng nên hè năm nay chị Hạnh đăng ký cho con học tới 4 môn là đàn, hát, múa và thể dục nhịp điệu. Theo đó, thời gian “luyện thành sao” của bé gần như kín mít các ngày trong tuần. Đặc biệt là thứ bảy, chủ nhật, phải học tới 2 ca/ ngày.
Chưa hết, “Thời buổi này mà không biết tiếng Anh thì… không làm được gì cả. Ca sĩ cũng cần phải rành tiếng Anh, khi ra nước ngoài biểu diễn còn biết dăm câu ba chữ để tiếp xúc với mọi người”, chị Hạnh cho biết. Bởi vậy, tuần 3 buổi, bé Quỳnh Giao còn phải tới Trung tâm ILA để học tiếng Anh. Chiều thứ bảy và chiều chủ nhật thì tới nhà cô giáo để học toán và tiếng Việt.
Có thể nói thời gian bé Quỳnh Giao đi học còn nhiều hơn thời gian ăn, ngủ ở nhà. Bởi vậy mới có hơn một tuần học hè mà trông bé ốm nhom, ốm nhách. Bà Tư (bà ngoại của bé Quỳnh Giao) than thở: “Tôi nói hết lời với vợ chồng nó rằng đừng bắt con bé học nhiều nhưng chúng không chịu. Không biết có học được gì không mà ngày nào đi học về con bé cũng than mệt, ăn uống thì uể oải”…
Nhiều bé ở nội thành cũng chịu chung “số phận”, cứ đến hè là bị “nhốt” vào các nhà thiếu nhi, các trung tâm ngoại ngữ, tin học…
Hơn một tuần nay, khoảng 7 giờ sáng các ngày chẵn trong tuần, Kiên – học lớp 7 Trường THCS H.H.T., Q.Bình Thạnh phải leo lên xe để ba chở tới Nhà Thiếu nhi thành phố học. Hôm thì học võ, hôm khác lại học cờ tướng… Mặc dù chỉ học có 2 tiếng nhưng Kiên phải ở đây suốt cả buổi sáng, mãi đến trưa ba mới nghỉ làm và qua rước về nhà. Buổi tối thì học tiếng Anh, vi tính ở các trung tâm. Kiên tâm sự: “Khoảng 5 giờ chiều, trên đường ba chở em tới trung tâm học tiếng Anh, nhìn thấy các bạn trong xóm chơi đá banh mà em “phát thèm”. Em chỉ muốn nhảy xuống khỏi xe của ba để hòa cùng bạn bè chạy nhảy cho thỏa thích”…
Hãy trả lại mùa hè cho các em
Năm nào cũng vậy, cứ sau mấy tháng hè là số trẻ có vấn đề về tâm lý đến khám tại Khoa Khám bệnh trẻ em của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng đông hơn so với các tháng trong năm. Các bác sĩ ở đây cho biết, hầu hết trẻ đến đây khám đều có nguyên nhân là bị cha mẹ ép học quá nhiều. Nhẹ thì lơ mơ, thiếu tập trung, nặng thì khùng khùng, điên điên.
Cô Minh Thu – giáo viên một trường tiểu học ở Q.3 cũng cho biết: “Đầu năm học vừa qua, thấy bé Lan Nhi học hơi yếu, tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì trước đó bé là 1 trong 10 học sinh xuất sắc của trường. Tôi gặng hỏi thì được biết nguyên nhân là do mấy tháng hè, bé bị ba mẹ bắt học quá nhiều. Do đó khi vào năm học mới đã bị “tẩu hỏa nhập ma”, lúc nào cũng mơ mơ, hồ hồ, thiếu tập trung vào bài học. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh không nên vì muốn con trở thành sao này, sao nọ mà không cho trẻ được vui chơi, giải trí trong 3 tháng hè. Việc học hành chỉ nên dành khoảng 2 tiếng/ ngày. Riêng các môn năng khiếu thì học 1-2 môn mà trẻ thấy có hứng thú là được.
Bài & ảnh: Minh Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)