Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giấc ngủ trắng, nỗi ám ảnh của mọi lái xe

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tài xế có kinh nghiệm nhưng vẫn không tránh được trạng thái ngủ tạm thời, hay còn gọi là 'giấc ngủ trắng' khi lái xe.

Một giây “chợp mắt”, nguy hiểm cận kề

Ngày 13/6 vừa qua, vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại đường nối cao tốc 5B và tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ trên địa phận huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khiến nhiều người phải “rùng mình”.

Theo đó, chiếc Toyota Vios màu đen chở theo 2 người trên xe đã lấn sang làn ngược chiều, đâm trực diện vào đầu chiếc xe tải . Hậu quả, cả 3 người ngồi trên chiếc xe con đều tử vong tại chỗ.

Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, từ camera hành trình của xe tải có thể thấy, xe ô tô con màu đen đã có xu hướng đi chệch làn đường một quãng khá dài trước khi va chạm.

Với kết quả âm tính với ma tuý, không có nồng độ cồn trong hơi thở, nhiều tài già nghi ngại, vị tài xế xe Vios lúc này có thể đã ngủ gật khi cầm lái.

Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp lái xe bị cơn buồn ngủ “bủa vây”, mắt chỉ trực nhắm lại. Sau thời gian dài lái xe, cơ thể rất mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi để “sạc pin” nhưng bộ não vẫn "bắt" các bộ phận hoạt động. Lúc này, mắt có thể vẫn mở nhưng các giác quan đã dừng lại, cơ thể như chìm vào giấc ngủ trong thời gian rất ngắn, cánh lái xe gọi đó là “giấc ngủ trắng”.

Lái xe Đỗ Huy Hoàn (45 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) đã có kinh nghiệm hơn 20 năm lái xe tải chia sẻ, cơn buồn ngủ có thể đến bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào khoảng chiều tối, khi ánh sáng mặt trời dịu bớt và cơ thể bắt đầu thấm mệt sau một ngày lái xe.

Anh Hoàn cho biết, dù đã thích nghi với việc lái xe cả ngày nhưng “giấc ngủ trắng” vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều lái xe chuyên nghiệp, trong đó có anh. Cá nhân anh Hoàn đã từng vài lần lái xe trong trạng thái bị thiếp đi khoảng 1-2 giây.

“Một lần chở hàng lên Cao Bằng, do quá mệt nên mắt tôi cứ díu lại. Đến lúc nghe tiếng “uỳnh” mới chồm lên nắm chặt vô-lăng thì bánh xe bên phụ của tôi đã chạm vào ta-luy đường rồi. Rất may không đâm vào ai và chiếc xe cũng chỉ hỏng nhẹ. Đúng là nhớ đời!”, lái xe Đỗ Huy Hoàn kể lại.

“Giấc ngủ trắng” không chỉ đe doạ những lái xe ô tô mà không ít người đi xe máy cũng từng trải qua. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Mạnh Hùng (35 tuổi trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, cách đây khoảng 10 năm, trong một lần đi xe máy từ Hà Nội về quê Thanh Hoá, anh đã suýt tông vào đuôi một ô tô khách đi phía trước.

“Lúc đó là khoảng 6 giờ chiều, tôi chạy cố để về nhà trước khi trời tối. Do ngồi xe máy đường dài khá mỏi lưng, lại thiếu ngủ nên vừa đi, mắt tôi vừa muốn nhắm lại, người cứ “đơ đơ”. Bất giác giật mình thì xe máy của tôi chỉ cách đuôi của chiếc xe khách phía trước khoảng 50cm. Tôi phanh dúi dụi và cũng dừng lại luôn ở bên đường để nghỉ ngơi cho hoàn hồn”, anh Hùng nói.

Giấc ngủ trắng, nỗi ám ảnh của mọi lái xe ảnh 1
Đường cao tốc thường không "thẳng tắp" mà có xu hướng hơi gấp khúc, thiết kế này một phần để tránh việc tài xế ngủ gật khi đang lái xe.
Làm thế nào để khắc phục?

Những lái xe có kinh nghiệm đều phải thừa nhận, việc buồn ngủ và vô tình rơi vào “giấc ngủ trắng” dù chỉ trong giây lát là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến buồn ngủ khi lái xe như: Thiếu ngủ trước mỗi chuyến đi; tài xế sử dụng rượu, bia hoặc các loại thuốc cảm cúm trước thời điểm lái xe; để chế độ gió không hợp lý dẫn đến thiếu ôxy trong xe,…

Để hạn chế và khắc phục tối đa các cơn buồn ngủ ập đến, các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên cho lái xe như sau:

– Ngủ đủ giấc trước khi lái xe: Cách tốt nhất để chống ngủ gật là phải ngủ đủ, nhất là đối với những người lái xe không chuyên. Nếu phải cầm lái trong một hành trình dài, hãy đảm bảo trước đó bạn đã ngủ đủ ít nhất 6-7 tiếng để cơ thể tỉnh táo, minh mẫn nhất.

– Không uống rượu bia, thuốc gây buồn ngủ trước khi lên xe: Các chất kể trên có thể ức chế thần kinh, khiến bạn dễ buồn ngủ. Hơn nữa, sử dụng rượu, bia trước khi lái xe là hành vi bị nghiêm cấm, nếu CSGT phát hiện, lái xe có thể bị xử phạt rất nghiêm.

– Chia chặng đường, nghỉ ngơi nhiều hơn: Không nên lái xe liên tục quá 3 giờ liên tục. Bạn cũng cần nghỉ ngơi giữa mỗi chặng để dành thời gian nạp năng lượng, uống nước, rửa mặt, đi vệ sinh để cơ thể có trạng thái tốt nhất.

– Không nên bật nhạc quá “êm’: Những bản nhạc là điều không thể thiếu trên xe. Tuy nhiên việc bật những ca khúc quá du dương, đều đều sẽ khiến cơn buồn ngủ ập đến nhanh hơn.

– Giữ cabin thoáng mát: Nếu có thể, bạn nên mở cửa sổ của xe để không khí lọt vào. Điều này giúp không khí trao đổi, sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn.

– Nếu quá “vật”, hãy tấp vào lề ngủ 15 phút: Nếu cơn buồn ngủ ập đến quá nhanh, tuyệt đối không được đi cố mà hãy táp vào vị trí thích hợp, chợp mặt khoảng 15 phút để cơ thể được nghỉ ngơi.

Ngoài ra, những lái xe có kinh nghiệm thường sử dụng những đồ uống như trà đặc, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su,… để giữ tỉnh táo, tránh rơi vào “giấc ngủ trắng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sử dụng liên tục trong hành trình dài có thể giúp lái xe không ngủ gật nhưng vẫn có thể làm cơ thể mệt mỏi quá mức. Do đó, lái xe cần nghỉ ngơi một cách hợp lý, khoa học để có sức khoẻ tốt nhất.

 
Theo Vietnamnet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)