Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giải bài toán cho lao động Tp.HCM: Giảm dần các ngành thâm dụng lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng “khát”, hay “khủng hoảng” lao động tại TPHCM  đã được dự báo từ lâu. Có đánh giá đúng vấn đề thì chúng ta mới thấy được các nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp…
Quy hoạch không tới
Cách đây hơn 20 năm, đã có nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, quy hoạch – kiến trúc đưa ra các phân tích và cảnh báo về tốc độ tăng dân số cơ học tại TPHCM;  về quy hoạch kinh tế hạ tầng, cơ cấu ngành nghề thu hút đầu tư… Các đề xuất đã được đưa ra là TPHCM cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp kỹ thuật cao, thâm dụng vốn chứ không phải thâm dụng lao động.
Tiếp tục thu hút các ngành thâm dụng lao động, tốc độ tăng dân số cơ học do người dân từ các địa phương đổ về sẽ tạo ra nhiều bất ổn về kinh tế và xã hội.
Sinh viên tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm CNTT do Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức. Đây là một trong những ngành nghề không thâm dụng lao động. Ảnh: NLĐ
Đồng thời đến một lúc nào đó khi các địa phương khác trong cả nước phát triển, TPHCM sẽ gặp khó khăn trong thu hút lao động phổ thông. Lời cảnh báo này rất tiếc đã không được các nhà hoạch định chiến lược, các nhà quản lý, quy hoạch của TP quan tâm đúng mức.
Thực tế là cho đến những năm gần đây, TP vẫn cạnh tranh thu hút đầu tư với các địa phương lân cận ở những ngành thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp như dệt, may, giày da… Kết quả của việc này thì đã rõ. Nếu TPHCM có chiến lược, quy hoạch tốt hơn, dài hơi hơn, hẳn đã “nhường” những ngành này cho các địa phương khác có điều kiện phù hợp hơn.
DN tự làm khó mình
Nguyên nhân lớn thứ hai cũng một nửa trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước và một nửa còn lại thuộc về doanh nghiệp (DN). Tình trạng DN lợi dụng kéo dài thời gian thử việc, trả lương thấp hơn quy định, trốn tránh và chiếm dụng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (NLĐ)… làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây mất lòng tin ở họ.
Những vi phạm nghiêm trọng này ngày càng phổ biến, nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra và xử lý không đến nơi đến chốn.  Do làm việc cực nhọc, thu nhập thấp và bị thu hẹp, bớt xén quyền lợi, nên chỉ sau một thời gian, lao động ở các địa phương khác sau các kỳ nghỉ, nhất là dịp tết nghỉ việc không trở lại nhà máy.
Ở đây, cần bàn thêm là thay vì phải đổi mới công nghệ, phải nâng cao tay nghề cho công nhân, phải tái cấu trúc nhân sự sao cho hợp lý… thì phần đông DN chỉ chú trọng đến việc mở rộng sản xuất bằng tăng nhân công, vì đây là cách đơn giản và chi phí thấp nhất trong ngắn hạn.
Chính điều này đã và đang làm cho các DN  phải sử dụng quá nhiều lao động hơn mức mà họ thực sự cần. Hậu quả là chế độ của NLĐ như lương, thưởng… bị đẩy xuống mức thấp nhất để bảo đảm lợi nhuận cho DN.
Các DN chỉ tăng lương, thưởng… khi nào áp lực họ bắt buộc phải tăng, chứ không phải họ quan tâm đến cuộc sống của NLĐ. Chính điều này khiến các DN đã và đang phải trả giá khi NLĐ quay lưng lại với mình và tìm sang những DN khác hoặc rời bỏ TP để về quê sinh sống.
Khi cung thấp hơn cầu, các DN mới bắt đầu phải điều chỉnh lương, thưởng… để thu hút NLĐ nhưng hiện nay số lao động DN tuyển dụng được thực ra là giành giật của nhau do công nhân “nhảy việc” mà thôi.
Phải chung tay giải quyết
Các DN cần thay đổi quan điểm về sử dụng lao động. Phải coi NLĐ là tài sản của DN. Chỉ khi nào có xem con người, nguồn nhân lực là trọng tâm và quan trọng nhất trong quá trình tồn tại và phát triển thì lúc đó tình trạng sử dụng lãng phí, không phù hợp nguồn nhân lực của DN mới giảm xuống.
Nếu không có biện pháp cụ thể từ vĩ mô đến vi mô thì năm, mười năm hoặc xa hơn nữa chúng ta lại cứ luẩn quẩn nói về thiếu hụt lao động. Rất nhiều giải pháp đang được đặt ra, nhưng theo tôi, để giải quyết một cách căn bản vấn đề này, TPHCM cần quy hoạch cơ cấu kinh tế một cách quyết liệt theo hướng phát triển dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, hạn chế và giảm dần các ngành thâm dụng lao động.
Bên cạnh đó cần rà soát và quy hoạch cụ thể, chi tiết các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay theo hướng thu hẹp đầu tư và sản xuất công nghiệp, tạo quỹ đất chuyển công năng sang phát triển dịch vụ, phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, nhà ở…
Trong khi đó, phải có sự thay đổi từ DN, trên cơ sở nâng cao năng lực quản trị, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao đào tạo tay nghề cho công nhân nhằm giảm tỉ lệ sử dụng lao động đồng thời tăng thu nhập cho NLĐ. Chính quyền TP cần chung tay, hỗ trợ để các DN thực hiện điều này.
Cù Hoàng Nông (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo vệ Long Hải)
Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)