Dự kiến trong tháng 3 này, Sở Y tế TP.HCM và Sở GD-ĐT sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về y tế học đường, đề xuất UBND TP đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường. Cùng với các trường đại học, 2 sở sẽ tiến hành đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế trường học hiện nay.
Học sinh Trường Tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) khám sức khỏe đầu năm
“Khát” nhân viên y tế học đường
TP.HCM hiện đã cho phép tuyển dụng nhân viên y tế học đường vào biên chế. Tuy nhiên, theo quy định ở 4 vị trí là văn thư, kế toán, thủ quỹ, nhân viên y tế lại chỉ có 3 biên chế, có cái này không có cái kia.
Thực tế này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế học đường trường có, trường không, các nhà trường cực kỳ thiếu hụt nhân viên y tế học đường. Nếu có thì thường là không có chuyên môn hoặc có chuyên môn không đúng rất khó để đạt được các yêu cầu đặt ra. Nhiều trường học hợp đồng với nhân viên y tế đã về hưu hoặc sử dụng giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ nhân viên y tế học đường.
Tại Trường THPT Ten lơ man (Q.1), nhân viên y tế học đường vừa bị F0 và xin nghỉ việc. Chưa thể tuyển dụng được ngay vị trí này, cô Trần Thị Thơm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết “trường chưa biết xoay xở thế nào nên giáo viên trong trường đành thay nhau cùng kiêm nhiệm”.
“Nhân viên y tế học đường hiện nay phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch trong nhà trường như xét nghiệm tầm soát F0; khoanh vùng, sàng lọc, xét nghiệm F1; tư vấn xây dựng phương án phòng chống dịch trong nhà trường phù hợp trong từng thời điểm; tư vấn chuyển đổi hình thức dạy và học cho từng đơn vị lớp, cho trường khi xuất hiện các ca F0… Đó là chưa kể còn phải chăm sóc sức khỏe học sinh toàn trường ở các bệnh thông thường. Với một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, đây là vị trí rất vất vả và nguy cơ phôi nhiễm Covid-19 cũng rất lớn nhưng mức lương lại chưa tương xứng vì thế rất khó để tuyển dụng”, cô Trần Thị Thơm chia sẻ.
Thừa nhận thực trạng trên, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, việc thiếu nhân viên y tế học đường khiến công tác phòng chống dịch trong nhà trường gặp nhiều khó khăn khi ở nhiều đơn vị, giáo viên vừa phải làm chuyên môn vừa đảm nhiệm nhân viên y tế.
“Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho thấy, trong tổng số 2.339 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có tới 2.293 đơn vị (98,03%) có bố trí người phụ trách công tác y tế trường học. Tuy vậy, chỉ có 1.319 trường (56,39%) có nhân viên y tế học đường có chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế – trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên. Gần 50% còn lại là kiêm nhiệm vị trí này…”, ông Trọng thông tin.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có thêm nhiều diễn biến, số F0 trong nhà trường tăng nhanh, Sở GD-ĐT đã có đề nghị đến UBND TP, HĐND TP quan tâm nhiều hơn đến chế độ chính sách cho đối tượng là nhân viên y tế học đường nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh, đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn thành phố được bền vững và hiệu quả.
Bồi dưỡng, đào tạo lại đảm bảo số lượng và đạt chuẩn
Mỗi ngày, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) ghi nhận cả hơn chục ca nghi nhiễm Covid-19 trong học sinh. Đi cùng với đó là hàng chục ca F1. Công việc của nhân viên y tế học đường cũng vì thế mà tăng lên theo cấp số nhân.
“Áp lực công việc nhiều, quần quật từ sáng đến chiều, thậm chí tối khuya vẫn phải cùng giáo viên chủ nhiệm tầm soát F1 nếu phụ huynh báo học sinh F0 tuy nhiên nhân viên y tế học đường của trường hiện là một y tá đã về hưu cũng đã có tuổi, sức khỏe cũng hạn chế. Công việc vất vả là vậy nhưng hiện nay chế độ chính sách cho nhân viên y tế học đường lại không nhiều, ngoài vài triệu đồng tiền lương thì chủ yếu là tình cảm để… níu chân ở lại với trường”, cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Giờ học của trẻ Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1)
Trong buổi làm việc với Ban VHXH – HĐND TP.HCM mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ: “Chưa bao giờ thấy tầm quan trọng của nhân viên y tế trường học như hiện nay”.
Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, ngoài hỗ trợ hiệu qủa công tác phòng chống dịch trong nhà trường, nhân viên y tế học đường còn góp phần nâng cao thể chất cho trẻ, hạn chế không chỉ các bệnh truyền nhiễm mà còn là các bệnh không lây đang có xu hướng gia tăng tại TP.HCM và các thành phố có quá trình đô thị hóa tăng.
Giải bài toán khát nhân viên y tế học đường, lãnh đạo Sở Y tế cho biết Sở Y tế và Sở GD-ĐT đã thống nhất và đề xuất UBND TP sẽ có thí điểm về nhân viên y tế học đường. Dự kiến trong tháng 3 này sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về y tế học đường, đề xuất TP đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường. Trong đó 2 sở cùng với các trường đại học tiến hành đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế trường học hiện nay những việc thực sự cần thiết của một nhân viên y tế học đường để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch trong trường.
Lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận, khi đội ngũ nhân viên y tế học đường trong các nhà trường “đạt chuẩn” sẽ không chỉ hỗ trợ nhà trường hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch mà còn san sẻ áp lực cho nhân viên y tế địa phương trong các công đoạn xử trí F0, F1 khi xuất hiện trong nhà trường như chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ trạm y tế xử lý dịch tại trường…
Yến Khương
Bình luận (0)