Sự kiện giáo dụcTin tức

Giải bài toán tài chính cho các trường công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội thảo đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập. Tại hội thảo lần này, đại diện của nhiều trường ĐH đã lên tiếng trực tiếp với Bộ Tài chính về vấn đề thu không đủ chi trong các trường ĐH hiện nay.
Lương tăng 507%, học phí tăng 133%
Theo TS. Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính, tổng chi cho GD tăng trong khi những đóng góp cho GD ngày càng giảm đi, cùng với đó là bất cập chính sách học phí. Điều này có tác động không tốt đối với cơ sở đào tạo. Để duy trì nhiều trường đã mở rộng quy mô đào tạo (đến nay Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thắt chặt). Giải quyết được bài toán tổng thu của trường, tuy nhiên chất lượng đào tạo lại đi xuống. Giảng viên thì quá tải, hoạt động cơ sở đào tạo không có sự cạnh tranh. Dạy vượt giờ, chất lượng giảng viên đi xuống. Bài toán thu chi thực sự là một gánh nặng đối với các trường khi mà trong thời gian qua, lương tăng tới 507% nhưng học phí chỉ tăng 133%. Thực trạng cơ chế tài chính trong GDĐH, duy trì mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên. Phân bổ ngân sách Nhà nước còn thấp, nhưng lại mang tính bình quân chưa gắn so với nhu cầu đào tạo, cơ cấu ngành nghề, chưa gắn với kết quả của cơ sở GDĐH. Cũng theo TS. Giang, hạn chế của việc duy trì mức học phí thấp là không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường phải bổ sung thu nhập từ các hoạt động đào tạo không chính quy, dẫn đến thời gian đứng lớp của giảng viên ĐH phần lớn bị quá tải, hầu hết các giảng viên ĐH đều vượt định mức giờ giảng theo quy định. Giảng viên ĐH không có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm…
Bài toán tự chủ
Thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT cho thí điểm một số trường ĐH được tự chủ. Nhưng theo GS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cái gọi là “tự chủ toàn phần” mà trường được hưởng đó là việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước. Nhà trường không được hưởng quyền lợi gì hơn. Ông Châu đề nghị được phân cấp tự chủ hơn nữa, nhất là về tuyển sinh, mức thu học phí. Sau ba năm, từ 2005 đến 2007, Nhà nước đã cắt giảm dần ngân sách. Đến năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, trong đó nêu rõ ĐH Ngoại thương thuộc loại đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách nữa. Theo GS. Châu, ngân sách bị cắt trong khi học phí vẫn phải theo khung chung nên để thực hiện tự chủ, trường đã gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề tự chủ toàn phần tại ĐH Ngoại thương thực chất là tự lo liệu chi phí chi thường xuyên và được phép tăng một số định mức, tăng lương lên 2,5 lần. Ngoài ra, trường không được hưởng một quyền hạn, cơ chế gì hơn so với các trường ĐH khác nên không thể tạo nguồn thu, không có tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất, không thực hiện được chế độ ưu đãi. Lương được phép tăng nhưng nguồn thu không tăng nên thu nhập của giáo viên vẫn không cải thiện được nhiều, dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh chương trình đào tạo cơ bản còn có đào tạo chất lượng cao, các chương trình liên kết với nước ngoài, thu hút sinh viên quốc tế, tuyển thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách. Các loại hình này đều thu học phí cao. Cũng theo ông Châu, dù đã nỗ lực tự tạo nguồn thu, nhưng trường lại không được tự chi các khoản thu đó. Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Châu cho biết, trường muốn mua máy vi tính nhưng không được Kho bạc Nhà nước duyệt chi do đang cắt giảm chi tiêu công. “Trường đã tự thu thì sẽ phải được tự chủ chi, có thể gửi vào ngân hàng khác chứ không nhất thiết phải là Kho bạc Nhà nước,” ông Châu bức xúc nói. Còn theo GS. Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính  thì mức thu, chi đã quá lạc hậu nên dù trao quyền tự chủ đến mấy thì cũng không thực hiện được.
Học phí tính thế nào cho đủ
Hầu hết đại diện các trường tham gia tại hội nghị đều kêu bài ca học phí. Theo các trường, mức học phí hiện nay dù đã tăng theo lộ trình nhưng vẫn không phù hợp và không hợp lý. Theo TS. Nguyễn Trường Giang, để tháo gỡ bài toán tài chính ở các trường, trước hết phải tính đúng, tính đủ vào học phí. TS. Giang cho rằng, học phí là nguồn thu quan trọng, nguồn lực tài chính chủ yếu để duy trì hoạt động của trường, nhưng ở nước ta, học phí mới chỉ đáp ứng được một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo ĐH. Do đó, chưa tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng GDĐH. Bởi đối với GDĐH, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Học ĐH là để có nghề, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí. Cũng theo TS. Giang việc tính đủ này có thể theo lộ trình, tăng từng bước để phù hợp và nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Thiên Lam

 

Bình luận (0)