Trước tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, một số địa phương ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đưa ra giải pháp bố trí giáo viên “vệ tinh” đến giảng dạy tại các trường thiếu giáo viên để đảm bảo chương trình cho học sinh…
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Mai (tỉnh Quảng Nam) trong một tiết học
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bắt đầu từ học kỳ II năm học 2020-2021, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – giáo viên tin học, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) – đảm nhận dạy môn tin học cho học sinh khối 7-8 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai. Với 13 tiết dạy/tuần ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My, nay cô Thủy sẽ dạy thêm 8 tiết hợp đồng mới, nâng tổng số tiết dạy trong một tuần lên 21. Cô Thủy cho biết: “Do đảm nhận dạy cả 5 khối lớp nên tôi phải mất nhiều thời gian cho việc soạn giáo án. Tuy nhiên, nội dung kiến thức cũng tương tự nên tôi có thể thực hiện được”.
Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi – cho biết việc sử dụng giáo viên “vệ tinh” chỉ là giải pháp ngắn hạn. Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương ưu tiên giải quyết bài toán thiếu giáo viên bằng cách tổ chức thi tuyển để bố trí đủ. |
Tương tự, trong hai năm học liên tiếp (2018-2019 và 2019-2020), cô Nguyễn Thị Dương – giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai – nhận dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My. Do giáo viên tiếng Anh của trường này nghỉ chế độ thai sản nên nhà trường tìm phương án phối hợp dạy liên trường. Thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai – cho biết: “Do địa điểm hai trường gần nhau nên thuận lợi cho giáo viên di chuyển. Giải pháp bố trí giáo viên dạy hai trường được chúng tôi sử dụng trong ngắn hạn như khi có giáo viên nghỉ thai sản, giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác mà chưa đến thời điểm địa phương tổ chức thi tuyển giáo viên. Với trường học ở miền núi, để tuyển đủ giáo viên bộ môn thì số tiết của giáo viên/tuần không đủ như định mức yêu cầu do số lớp/trường ít. Bởi vậy, dù dạy liên trường nhưng số tiết dạy của giáo viên cũng không quá nhiều, vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, năm học 2019-2020, Trường THCS Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) thừa một giáo viên dạy mỹ thuật nhưng lại thiếu hai giáo viên lịch sử và một giáo viên tin học. Để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, lãnh đạo nhà trường đã bố trí giáo viên dạy trái môn như giáo viên ngữ văn – lịch sử, GDCD – lịch sử. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó vì không thể bố trí dạy tăng tiết quá nhiều. Theo Nghị định 161, các trường không được hợp đồng giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Phòng GD-ĐT huyện Tư Nghĩa đã tham mưu cho UBND huyện phương án điều động giáo viên dạy liên trường. Ông Trương Quang Dũng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tư Nghĩa) cho biết: “Qua rà soát tình hình đội ngũ, các trường trên địa bàn có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đơn vị đã sử dụng giải pháp sử dụng giáo viên “vệ tinh”, phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Trong năm học 2019-2020, có 17 giáo viên được điều động dạy liên trường, trong đó có 10 giáo viên bậc THCS. Trước đó, năm học 2018-2019, phòng đã điều động 1 giáo viên theo hình thức này. Thời gian dạy liên trường của mỗi giáo viên nằm trong diện điều động là 1 học kỳ. Hết thời gian này, giáo viên sẽ chỉ dạy ở trường cũ và điều động giáo viên khác thay thế.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, tính đến năm học 2022-2023, ở bậc tiểu học, toàn tỉnh thiếu 146 giáo viên tiếng Anh, 107 giáo viên tin học. Vừa qua, hai kỳ thi tuyển dụng giáo viên của tỉnh Quảng Ngãi đều bị hoãn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mặt khác, khi áp dụng theo chuẩn đào tạo mới, nhiều địa phương có số lượng hồ sơ dự tuyển ít hơn chỉ tiêu thi tuyển. Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi – cho biết việc sử dụng giáo viên “vệ tinh” chỉ là giải pháp ngắn hạn. Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương ưu tiên giải quyết bài toán thiếu giáo viên bằng cách tổ chức thi tuyển để bố trí đủ.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)