Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Giải bóng đá chuyên nghiệp và hạng nhất: Nhẹ tay với bạo lực

Tạp Chí Giáo Dục

2010 là mùa giải bản lề để V-League đi lên chuyên nghiệp nhưng căn bệnh khó chữa nhất là bạo lực vẫn chưa được VFF và những nơi liên quan trị tận gốc.
Việc các đội bóng chuyển đổi mô hình chuyên nghiệp mạnh mẽ để đưa giải VĐQG của bóng đá VN đạt danh hiệu “nhà nghề” là một nỗ lực đáng ghi nhận của VFF. Nhưng nếu như đó là điều đáng tự hào nhất mà V-League ở tuổi lên 10 thì điều làm những nhà quản lý bóng đá phải hổ thẹn chính là vấn nạn bạo lực sân cỏ chưa có liều thuốc hữu hiệu để chữa trị.

CĐV quá khích của Hải Phòng quậy trên sân Ninh Bình bất kể an nguy của những khán giả khác.

Tuyên bố mạnh, xử lý… nhẹ
Lãnh đạo VFF xác định được sự nguy hiểm của bạo lực sân cỏ nhưng nhà quản lý và tổ chức lại tỏ ra lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Thực ra trong ba mùa giải gần đây, năm nào trước khi V-League khai mạc, VFF đều cử đoàn khảo sát và làm việc với các sân tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh, an toàn. Chúng tôi cũng đã yêu cầu BTC các sân phải báo cáo về công tác chuẩn bị bảo đảm an ninh cho các trận đấu”. Lẽ ra khi BTC sân và đội bóng chủ sân đã hứa hẹn với cấp điều hành của VFF thì cần đi kèm với đó là cam kết mạnh mẽ nếu không sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc. Nhưng mọi việc dường như chỉ dừng lại ở việc BTC sân “hứa”, còn VFF hô “quyết tâm”.
Một HLV từng nhiều năm chinh chiến ở “mặt trận” V-League cho rằng: “Thực ra không thể lấy lý do không có khung hình phạt vượt quy định kỷ luật nên không thể xử lý nặng. Với những sân thường xuyên để mất an ninh, an toàn luôn cần phải có một cam kết khác. Nếu không thực hiện cam kết đó, tức là không bảo đảm an ninh, hoặc để xảy ra sự cố thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Việc này tôi thấy VFF chưa nhắc đến”.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Tôi đã chỉ đạo BTC giải phải có tổng kết và rút kinh nghiệm sâu sắc về những điều đạt và chưa đạt trong mùa giải qua. Riêng công tác an ninh, an toàn và tình trạng bạo lực sân cỏ phải nhìn thẳng vào vấn đề”.
Mùa giải 2010, nhất là giai đoạn cuối, người ta thấy “gia pháp” VFF bị vô hiệu hóa tới mức lãnh đạo VFF phải họp khẩn để giải “về đích an toàn” nhưng cuối cùng thì cũng chỉ có một mình XM.Hải Phòng bị treo sân một trận.
Những quy định kỷ luật lỗi thời
Những nhà hoạch định chiến lược phát triển cho bóng đá VN luôn tự hào rằng V-League là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng của châu lục. Theo người đứng đầu VFF, có được những điều đó là nhờ V-League ngày càng được dư luận quan tâm, khán giả đến sân ngày một đông.
Đã nhiều lần, những lãnh đạo VFF đem sân Lạch Tray ở  Hải Phòng ra làm “tấm gương” điển hình cho sự phát triển của bóng đá VN. Nhưng không thể chạy theo số lượng mà quên mất rằng bộ mặt bóng đá VN được bên ngoài nhìn vào và đánh giá phần lớn qua khả năng tổ chức, trong đó an ninh, an toàn cho mỗi trận cầu là yếu tố quyết định.
Thực ra vấn đề không nằm ở một mình sân Lạch Tray. Ba mùa giải gần đây, VFF luôn phải ở trong tình trạng “theo đuôi” vấn nạn bạo lực. Mất bò rồi mới lo làm chuồng thì khi tình huống mới xảy ra người ta sẽ luôn ở vào thế bị động.
Năm 2007, sân Thanh Hóa và CĐV Thanh Hóa làm VFF đau đầu, năm 2008 và 2009 là những vụ bạo động kinh hoàng trên sân Vinh liên quan đến CĐV các đội SLNA, XM.Hải Phòng, Thể Công. Đến năm 2010, sân Lạch Tray trở thành điểm nóng khi CĐV XM.Hải Phòng không thể tìm ra cách nào “quậy” trên sân Vinh nữa. Thế nhưng, vẫn còn những sân bóng tiềm ẩn đầy nguy cơ như Ninh Bình, thậm chí là sân bóng giữa thủ đô – Hàng Đẫy. Chính vì vậy mà một số quy định kỷ luật đã lỗi thời của VFF cũng rất cần có những sửa đổi để theo kịp tình hình thực tế đang diễn ra rất nóng bỏng.
Mạnh Duy (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)