Hội nhậpThế giới 24h

Giải cứu các nền kinh tế đang phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Tiền và giải pháp cải tổ đều đã thỏa thuận được tại hội nghị mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ở Washington DC (Mỹ) trong hai ngày 25 và 26-4.

Theo Reuters, tuyên bố của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế IMF khẳng định kết quả lớn nhất của hai ngày làm việc là tăng gấp đôi nguồn tiền tín dụng của IMF. Dự kiến trong giai đoạn đầu, IMF sẽ được bổ sung 250 tỉ USD để giúp các nước và tiếp theo là 250 tỉ USD. Tuyên bố nhấn mạnh các nước cam kết tiếp tục hành động để đảm bảo kinh tế thế giới hồi phục. 

Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài tòa nhà tổ chức hội nghị ở Washington – Ảnh: Reuters

Một diễn biến đáng chú ý ở hội nghị là việc WB công bố chương trình kích thích trị giá 55 tỉ USD thông qua hai quỹ mới dành cho các nước đang phát triển. Reuters cho biết số tiền trên, dự kiến gom góp trong ba năm, chủ yếu dành cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng có nguy cơ đình trệ vì suy thoái trong thời gian qua. Pháp và Đức đã thông báo sẽ đóng góp tài chính vào hai quỹ mới này.

Hai quỹ có tên Infra và ICF sẽ do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) điều hành. Ông Robert Zoellick, chủ tịch WB, tuyên bố: “Các kế hoạch kích thích kinh tế của khối các nước công nghiệp hóa cần kèm theo khoản trợ giúp các nước không thể có được những kế hoạch hàng tỉ đôla như thế. Điều này có tính quan trọng sống còn”.

Lãnh đạo tài chính từ các nước tham dự cũng ra lời kêu gọi tiến hành cải cách nhanh chóng hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Theo các nhà lãnh đạo, dù đã có những thay đổi trong thời gian qua nhưng những tiến triển là quá chậm, trong khi thay đổi là cần thiết cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới. BBC trích lời tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn: “Mọi người đều đồng ý là phải hành động ngay bây giờ và hồi phục kinh tế phụ thuộc nhiều vào điều đó”.

Tại hội nghị lần này, chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn tồn tại khi Mỹ và châu Âu không thống nhất được về chuyện trao thêm tiếng nói cho các nền kinh tế mới nổi trong cơ cấu của IMF. Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố IMF cần cải tổ để các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil có tiếng nói lớn hơn trong tổ chức này. “Điều này là cần thiết nhằm đảm bảo IMF vẫn là trung tâm của hệ thống tiền tệ quốc tế, phản ánh đúng thực tế của thế kỷ 21”.

Người đứng đầu ngành tài chính Mỹ đề xuất tinh giản bộ máy điều hành của IMF, cụ thể là tới năm 2010 giảm số thành viên ban điều hành từ 24 ghế xuống còn 22 ghế và chỉ còn 20 ghế vào năm 2012. Song, điều quan trọng mà Bộ trưởng Geithner nhắm tới là tiếp tục giữ nguyên số ghế dành cho các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là một số nước Tây Âu, hiện chiếm tới tám ghế tại Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế, sẽ phải ra đi.

Bộ trưởng Geithner đã tận dụng các cuộc hội đàm bên lề cuộc gặp thường niên mùa xuân để thuyết phục một số nước châu Âu tự nguyện rút lui khỏi ủy ban trên. Đề xuất trên tuy vậy đã không được các nước châu Âu đồng ý do e ngại bị mất tiếng nói.

Tại hội nghị, WB cũng đã chỉ trích Mỹ, EU và nhiều thành viên trong nhóm G20 đã không thực hiện cam kết của mình tại hội nghị thượng đỉnh ở London khi vẫn tiến hành các biện pháp bảo hộ.

THANH TUẤN – TÚ ANH (TTO)

Bình luận (0)