Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Giải cứu” kẹt xe bằng đường trên cao

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án đường trên cao kết nối vào Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến được triển khai cuối năm 2017 nhằm “giải cứu” kẹt xe cho cửa ngõ sân bay. Đây là dự án mới đang được các cơ quan chức năng tính toán để bổ sung, ngoài 5 dự án đường trên cao theo quy hoạch của TP.HCM.

Mở đường trên cao sẽ chống được nạn kẹt xe vào Sân bay Tân Sơn Nhất như hiện nay. Ảnh: I.T

Nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông vào sân bay là cần thiết

Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á đã đề xuất dự án đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) kết nối với Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng chiều dài 3.240m. Liên danh các nhà đầu tư cho biết tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.600 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP.HCM cần hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ, phần còn lại 2.150 tỉ đồng cần hoàn vốn bằng quỹ đất.

Theo ông Hoàng Định – Giám đốc dự án thuộc Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á, song song với việc nâng cấp sân bay, mở rộng khu vực đón/trả khách, mở rộng khu đỗ máy bay, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nhằm giải quyết ùn tắc cục bộ, nâng cao năng lực thông hành đón trả khách và định hướng tiếp cận việc mở rộng phát triển sân bay là cần thiết.

Ngoài ra, dự án sẽ đóng góp phần lớn vào việc giảm ùn tắc cho giao thông bên ngoài tại khu vực nút giao Hoàng Văn Thụ, tương lai có thể kết nối với tuyến đường trên cao số 1 từ nút giao này vào trung tâm TP.HCM. Theo ông Nguyễn Văn Tám – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ đề xuất của liên danh các nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải xem xét trình dự án này.

Trước đó, vào tháng 9-2016 liên danh các nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư đường trên cao với tổng chiều dài 5.010m và có vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, nay vì sao rút gọn lại chiều dài còn 3.240m và vốn đầu tư còn 2.600 tỉ đồng?, ông Hoàng Định cho biết sau khi tính toán lại toàn bộ dự án và TP.HCM đã triển khai xây dựng cầu vượt ở giao lộ Trường Sơn – Hồng Hà kết nối vào Sân bay Tân Sơn Nhất, nên đơn vị thiết kế đã điều chỉnh giảm khoảng 1.600m cầu cạn và nhờ đó vốn đầu tư dự án giảm gần 1.000 tỉ đồng so với trước.

Theo liên danh các nhà đầu tư, đơn vị đang nỗ lực phấn đấu làm nhanh các thủ tục để các cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý 3-2017 và dự kiến khởi công dự án vào quý 4-2017, đưa công trình vào khai thác trong quý 1-2019.

Nhiều ý kiến đồng tình

TS. Lương Hoài Nam – nguyên Tổng Giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines – cho rằng việc xây dựng đường trên cao sẽ góp phần giảm ùn tắc. Theo ông Nam, sự quá tải trầm trọng đã và đang xảy ra không chỉ với các hạng mục thuộc sân bay mà cả với hạ tầng giao thông kết nối với TP và điều này có thể được nhìn thấy hết sức trực quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, cho biết việc liên danh nhà đầu tư đề xuất tự bỏ chi phí nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường trên cao theo hình thức đối tác công tư (PPP) là rất đáng hoan nghênh, qua đó phát huy được nguồn lực từ khu vực tư nhân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối Sân bay Tây Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông khu vực cửa ngõ sân bay hiện nay.

Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, đường trên cao sẽ làm mất mỹ quan, tăng tiếng ồn giao thông. Ông Nam đề nghị các cơ quan liên quan hết sức cố gắng giảm thiểu những tác động này bằng các biện pháp thiết kế và kỹ thuật.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đường trên cao từ Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kết nối vào hệ thống đường đô thị theo 2 hướng là kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi. Trong khi đó, 2 tuyến đường này ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm, tốc độ di chuyển rất thấp. Bà Hằng đặt câu hỏi: Vậy làm đường trên cao để các xe cá nhân lưu thông nhanh chóng từ sân bay ra, như vậy có phải chúng ta đang chuyển vị trí kẹt xe từ đường Trường Sơn sang đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ không? Về lâu dài, bà Hằng cho rằng việc tăng cung về hạ tầng giao thông (xây đường trên cao) sẽ không giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc. Góp ý với Sở Giao thông vận tải về dự án đường trên cao kết nối vào Sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Hứa Quốc Hưng cho biết quận cơ bản thống nhất hướng tuyến đường trên cao nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời kiến nghị sở nghiên cứu phạm vi bố trí cầu vượt và làn xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi không vượt ranh quy hoạch 30m.

Trong khi đó, ông Đỗ Tất Bình – Phó Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (CTCP) – cho biết năm 2016 Sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp đón 32,5 triệu hành khách/năm, với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì dự kiến trong vòng 3 năm tới sản lượng hành khách ước khoảng 43-45 triệu khách/năm. Do đó, việc xây dựng hệ thống đường giao thông nối sân bay là giải pháp phải được tính đến. CTCP hoàn toàn ủng hộ phương án xây dựng đường trên cao để giảm ùn tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.

T.S

Bình luận (0)