Bị coi là môn phụ, thiếu đầu tư trong việc dạy học dẫn đến những tiết học khô khan, thiếu dẫn chứng sinh động, không gây được sự hứng thú cho học sinh (HS) là những rào cản hiện nay của bộ môn giáo dục công dân (GDCD) tại các trường phổ thông.
Tiết học môn GDCD tại lớp 12A15 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM). Ảnh: Y.Hoa |
Có thể nói việc lựa chọn môn GDCD vào tổ hợp thi KHXH trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là bước đi quan trọng của Bộ GD-ĐT trong việc cụ thể hóa các kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW Đảng khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây thực sự là niềm vui của nhiều GV bởi nó góp phần to lớn trong việc thay đổi và nâng tầm vị thế môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời vị thế GV giảng dạy môn này cũng được xã hội nhìn nhận một cách tích cực hơn.
Việc giáo dục đạo đức nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức tuân thủ và thượng tôn pháp luật, các kiến thức về kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước, của địa phương cho HS chính là một thước đo về kết quả đào tạo để trở thành nền móng vững chắc làm động lực tiếp tục phấn đấu cho đội ngũ GV giảng dạy môn này. |
Trong tình hình hiện nay, giáo dục phổ thông nói chung và bộ môn GDCD nói riêng đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Từ chỗ quan tâm tới việc HS học được gì đến chỗ quan tâm tới việc các em học được cái gì qua việc tiếp thu kiến thức. Muốn thế không còn cách nào hơn là phải thực hiện thành công việc chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang cách dạy học, cách vận dụng kiến thức rèn luyện kỹ năng hình thành năng lực và phẩm chất. Đồng thời không dừng lại ở cách đánh giá kết quả giáo dục nặng về kiểm tra trí nhớ theo kiểu “tầm chương trích cú” trước đây mà phải tự lột xác để chuyển sang kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề. Đặc biệt coi trọng kết hợp kiểm tra đánh giá kết quả học tập với kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập để có tác động kịp thời nâng cao chất lượng của hoạt động dạy học và giáo dục.
Khách quan nhìn nhận rằng, trong những năm qua toàn thể GV đã cố gắng thực hiện nhiều công việc trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy của bản thân cũng như việc dự giờ đồng nghiệp tại trường, tôi thấy rằng sự sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực tự lực của HS… chưa nhiều. Dạy học vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Việc rèn luyện kỹ năng chưa được quan tâm. Hoạt động kiểm tra, đánh giá còn nhiều hạn chế, đánh giá cuối kỳ chưa chú trọng đánh giá cả quá trình học tập. Điều đó dẫn đến HS học tập thụ động, lúng túng khi giải quyết các tình huống trong thực tế cuộc sống. Từ thực tiễn đó, tôi thấy rõ ràng đổi mới trong việc đào tạo GV tiếp cận với xu hướng giáo dục mới ở các trường phổ thông trở nên vô cùng cần thiết. Phát triển các năng lực chuyên môn đối với GV môn GDCD cũng là một khâu then chốt, bao gồm: Thứ nhất là năng lực tiếp cận tri thức. Năng lực giáo dục nhân cách người công dân cho HS thể hiện ở khả năng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, đặc biệt là khả năng tư duy logic, trừu tượng hóa, khái quát hóa, phân tích, tổng hợp, khả năng nhận biết và phân tích các mối quan hệ. Thứ hai là năng lực nghiệp vụ chuyên môn được thể hiện qua khả năng thực hiện dạy học có kế hoạch, kỹ năng định hướng mục đích và thực hiện nội dung giảng dạy, kỹ năng và thái độ trong xử lý tình huống và kỹ năng đánh giá. Thứ ba là năng lực hợp tác xã hội, là năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, thể hiện ở khả năng hợp tác giải quyết các tình huống chính trị, khả năng vận dụng thực tiễn vào giảng dạy. Ý thức được trách nhiệm cá nhân đối với xã hội và tập thể. Thứ tư là năng lực tiêu biểu cá nhân, là giáo dục các em có nhân cách công dân tiêu biểu, thể hiện trước hết ở tư tưởng chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức, kỹ năng sống. Từ đó, xác định được cơ hội phát triển khả năng học tập nâng cao thực hiện được cuộc sống của bản thân. Muốn vậy, theo tôi, trước hết cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò, vị trí đội ngũ GV trực tiếp giảng dạy môn học. Theo đó, GV cần có sự tiếp cận mới về mục tiêu, chương trình đào tạo, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập điều kiện phương tiện dạy học, đặc biệt chú trọng các yếu tố sau:
Ít quan tâm đầu tư soạn giáo án lên lớp Một thực tế dễ nhìn thấy là chương trình môn học GDCD hiện nay nhiều nơi GV và cán bộ quản lý đánh giá còn khá nặng nề, nhất là những nội dung ở phần triết học, kinh tế chính trị. Ngay cả GV được đào tạo chính quy đúng chuyên ngành còn khá vất vả trong việc truyền đạt nội dung kiến thức cho HS thì những thầy cô dạy chéo môn lại càng khó khăn hơn. Một số GV lên lớp với tâm lý cho rằng đây là môn phụ nên ít có sự quan tâm đầu tư trong việc soạn giáo án chuẩn bị bài lên lớp. Bên cạnh đó, việc thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế cũng như thiếu những dụng cụ trực quan làm cho các tiết học trở nên khô khan, nhàm chán, không gây được sự hứng thú đối với HS. Hệ quả tất yếu là chất lượng tiết học còn nhiều hạn chế, GV không có sự sáng tạo để phát huy năng lực HS. Bên cạnh đó, việc đào tạo GV chuyên ngành GDCD/giáo dục chính trị cần được ngành giáo dục chú trọng và xác định rõ mục tiêu cũng như đối tượng ngay từ đầu. |
Trước tiên, chương trình đào tạo GV sư phạm ngành giáo dục chính trị cần đi vào chiều sâu, đảm bảo gắn những vấn đề lý luận với thực tiễn một cách chặt chẽ, có tính hiện đại. Không chỉ dừng lại những kiến thức hàn lâm, sách vở mà còn ưu tiên lựa chọn những nội dung bám sát và đáp ứng mục tiêu dạy học ở THPT. Quan trọng hơn là làm cho người GV giảng dạy môn GDCD phải có năng lực xây dựng được cho HS một hình tượng sống có mục đích, có lý tưởng, có ước mơ hoài bão; chuẩn bị cho các em những hành trang thiết yếu, hữu dụng để bước vào cuộc sống một cách tự tin và xứng đáng là những công dân chân chính giàu lòng nhân ái, biết chia sẻ, trung thực, vị tha, sáng tạo, quyết đoán. Tiếp theo, để GV môn GDCD có được năng lực đổi mới sâu rộng thì họ cần được trải nghiệm phương pháp đổi mới giáo dục này, phát huy tính chủ động và khả năng tự nghiên cứu. Trong quá trình học tập, người học cần được tham gia nhiều nhất vào quá trình tự lĩnh hội tri thức. Tri thức các môn học trong đào tạo GV dạy GDCD mang tính khái quát, trừu tượng cao và còn mang tính hàn lâm, kinh viện. Vì vậy, thông qua quá trình tự lĩnh hội tri thức sẽ giúp người học thể hiện năng lực tư duy lý luận và hiểu biết thực tiễn của bản thân. Người học phải tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, người học và người học. Sau cùng là nâng cao nhận thức cho GV tin tưởng, nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí môn học và xác định trách nhiệm bản thân trong việc đầu tư thời gian tìm tòi tri thức nhằm phục vụ công tác giảng dạy, làm cho môn GDCD thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc dạy chữ – dạy người ở trường THPT. Nếu GV không linh động cải tiến phương pháp giảng dạy thì việc HS chán học là đương nhiên.
Nguyễn Thị Thùy Mai
(GV Trường Trung học
Thực hành Sài Gòn, ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)