Đề xuất tuyến xe điện trên cao dành cho hành khách và xây đường trên cao để “giải cứu” kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất đang được một số đơn vị đề xuất và được đánh giá là rất khả thi…
Kẹt xe triền miên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất |
Tuyến xe điện trên cao
Ngày 20-10, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đề xuất Sở GTVT TP.HCM một số giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đề xuất của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, sử dụng hệ thống vận chuyển hành khách dành riêng, đón trả khách (đi máy bay) từ các trạm phía ngoài đặt trên đường đến vị trí cửa Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó, tại 2 trạm trung chuyển chính (tại Công viên Hoàng Văn Thụ và Công viên Gia Định), bố trí bãi đỗ xe (ngầm, công suất dự kiến 2.000 xe ô tô) và các công trình phụ khác phục vụ cho các xe ra vào, dừng đón trả khách; trung tâm điều hành và depot được xây dựng tại khu vực Công viên Gia Định.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn và thiết lập các chế tài hạn chế, cấm các xe ô tô đưa đón hành khách đi máy bay ra vào trực tiếp từ cửa Cảng Hàng không hiện nay mà phải chuyển tiếp từ các trạm trên đường Trường Sơn và Bạch Đằng hoặc tại Công viên Hoàng Văn Thụ và Công viên Gia Định.
Đặc biệt, TP nên có phương án xây dựng tuyến xe điện một ray đi trên cao (monorail) đường đơn, chạy vòng một chiều khép kín. Phương án này, tách dòng hành khách ra – vào sân bay Tân Sơn Nhất khỏi dòng phương tiện đông đúc trên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng…
Theo đó, tuyến monorail có điểm xuất phát từ depot trung tâm nằm ở bên hông Công viên Gia Định hiện hữu, tiếp giáp với đường Bạch Đằng. Sau đó tuyến đi đến cửa sân bay Tân Sơn Nhất, ra đường Trường Sơn, tiếp cận ga đón – trả khách ở Công viên Hoàng Văn Thụ. Tuyến sẽ đi tiếp rồi rẽ trái sang đường Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Phú Nhuận. Tuyến tiếp tục rẽ trái vào đường Nguyễn Kiệm để đi về hướng ngã 7 Phạm Văn Đồng và khép kín tại ga gần depot Gia Định.
Trên tuyến sẽ xây dựng các bãi đậu xe ngầm (dự kiến tại Công viên Gia Định và Công viên Hoàng Văn Thụ) với công suất khoảng 2.000 ô tô, các ga chuyển tiếp khách…
Theo tính toán, mỗi ngày có khoảng 100.000 hành khách vào – ra sân bay Tân Sơn Nhất, đến năm 2025 sẽ tăng lên là 123.300 hành khách/ngày.
Năm 2018, khi có monorail thì lượng khách do loại phương tiện này chuyên chở vào ra sân bay sẽ là 121.500 người/ngày và tần suất hoạt động là cứ 4 phút có một chuyến. Chiều dài toàn tuyến monorail khoảng 6,3km hoàn toàn đi trên cao nên chiếm diện tích mặt đất rất nhỏ, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 4.725 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, Sở sẽ nghiên cứu cập nhật những đề xuất của Viện, tuy nhiên những giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất phải phụ thuộc vào đề án quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất từ đó TP mới đưa ra những giải pháp kết nối cụ thể nằm trong gói 7 nhóm giải pháp giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà TP.HCM đã đề xuất và đang triển khai thực hiện.
Giải pháp xây đường trên cao
Đây là giải pháp do liên danh nhà đầu tư gồm Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại, Sản xuất, Xây dựng Đông Mêkông và Công ty CP Hạ tầng Đông Á đề xuất với Sở GTVT TP.HCM.
Theo đó, dự án sẽ làm đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), giúp tháo gỡ ùn tắc giao thông khu vực này. Cụ thể, hệ thống đường trên cao của dự án dài hơn 5.000m và rộng 7,5-12,5m tùy theo đoạn.
Trong đó, cầu chính dài 2.665m, từ đường Trường Sơn và các nhánh cầu đường Phan Thúc Duyện, xuyên qua Công viên Hoàng Văn Thụ và tiếp đất tại đường Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi, Thăng Long…
Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.
Công ty CP Hạ tầng Đông Á cho biết theo thống kê, có khoảng trên 70% lượng phương tiện từ sân bay đi về trung tâm TP. Nếu dự án này được triển khai sẽ góp phần giải quyết ùn tắc tại khu vực. Về lâu dài có thể kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 của TP…
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, nếu làm đoạn đường trên cao sẽ giúp giảm được lưu lượng ô tô từ sân bay đi ra đường Trường Sơn, giảm xung đột tại nút Trường Sơn – đường ra sân bay, làm giảm kẹt xe tại các vị trí này… “Có thể nhận thấy ngay rằng công trình này sẽ lập tức giúp giảm kẹt xe, trước mắt là trong năm năm tới” – TS. Vũ Anh Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng đường trên cao hoặc đường hầm cho xe lưu thông đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư, xây dựng. Do đó trước mắt cũng cần tính đến các giải pháp khả thi đầu tư vốn ít, thời gian thực hiện nhanh.
T.S
Bình luận (0)